Như nhạc sĩ Tuấn Phương, Phó ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ, trong hoàn cảnh ngày càng có nhiều các cuộc thi âm nhạc nở rộ thì Sao Mai sẽ phải thay đổi để tồn tại.
Sao Mai không đơn giản là một cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay mà còn là bệ phóng, nơi chắp cánh cho những tài năng âm nhạc của Việt Nam đến gần hơn với công chúng và tỏa sáng. Trưởng thành từ các cuộc thi này, rất nhiều ca sĩ thực sự nổi tiếng và nhận được nhiều tình cảm từ công chúng yêu nhạc như Trọng Tấn, Anh Thơ, Đức Tuấn, Hồ Quỳnh Hương, Lê Anh Dũng, Nam Khánh, Kasim Hoàng Vũ, Tân Nhàn… Đây không phải là cuộc thi của những chiêu trò mà là cuộc thi có yêu cầu cao về chuyên môn, ban giám khảo ở cuộc thi vẫn là người có quyết định cao nhất, chứ không phải là tin nhắn bình chọn của khán giả.
Tuy nhiên, khi khảo sát một số bạn trẻ dành nhiều quan tâm cho nhạc Việt và theo dõi khá nhiều các chương trình truyền hình, phần lớn các bạn đều không quan tâm đến các cuộc thi hát có bề dày truyền thống như giải Sao Mai, Tiếng hát Truyền hình TPHCM mà chỉ nhớ đến các gameshow đình đám trên truyền hình vài năm trở lại đây. Rõ ràng, dù là những cuộc thi có chất lượng chuyên môn nhưng rất tiếc là công chúng không nhiều người biết đến để xem.
Sự thu hút của các cuộc thi âm nhạc truyền thống hiện nay, có chăng chỉ đối với những người quan tâm đến việc tìm kiếm một thế hệ giọng ca mới có chất lượng, thay vì chỉ có yếu tố giải trí như vô vàn các gameshow trên sóng truyền hình. Với Sao Mai, từ vị thế là chương trình được quan tâm, truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 - chuyên về văn hóa và giải trí, nhiều năm liền cuộc thi phải chuyển sang kênh VTV1, “kén” người theo dõi hơn. Hay như Tiếng hát truyền hình TPHCM, với bề dày hơn 25 năm, cũng càng ngày càng thiếu hẳn sự quan tâm theo dõi của người yêu nhạc.
Cùng với thời gian, để tồn tại, các cuộc thi như trên phải thay đổi định dạng chương trình để hút khán giả hơn. Đó là việc chia thành các bảng thi như dân gian đương đại, nhạc nhẹ, giao hưởng thính phòng; có thêm ban cố vấn bên cạnh ban giám khảo; mời các ca sĩ thành danh tham gia huấn luyện, hỗ trợ thí sinh… Và với những khán giả trung thành, có thể nhận thấy gu trình diễn, phong cách thí sinh, trang phục và việc đầu tư cho hình ảnh đã được cập nhật và thay đổi, như chính khẳng định của nhạc sĩ Tuấn Phương: “Ngoài tính chuyên nghiệp, chúng tôi hướng đến sự cập nhật, hội nhập... Sao Mai bên cạnh sự sang trọng, nghiêm trang cũng sẽ hướng đến sự gần gũi hơn”.
Có thay đổi, có cập nhật, nhưng độ phủ sóng của các cuộc thi không còn “nóng” như trước. Phải chăng cần những thay đổi hơn nữa? Có những ca sĩ đã đoạt giải cao ở các cuộc thi này nhưng vẫn “ba chìm bảy nổi” trong làng âm nhạc Việt. Chỉ đến khi tham gia vào các gameshow, họ mới một bước vụt sáng thành sao, được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Các cuộc thi thiếu vắng khán giả cả ở sân khấu lẫn bạn xem đài. Công tác truyền thông của các cuộc thi hầu như là số 0 tròn trĩnh, trong khi ở thời điểm hiện nay, muốn khán giả nhớ tới mình, không thể chỉ mãi “hữu xạ tự nhiên hương”…
Rõ ràng, các cuộc thi âm nhạc truyền thống thực sự cần một sự đổi mới. Đổi mới để tồn tại.