Đột phá tư duy và cách làm
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhiều lần khẳng định, chương trình GDPT mới đã kế thừa, phát huy ưu điểm của các chương trình GDPT trước đây, đồng thời tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng chương trình GDPT.
Chương trình có những nội dung đổi mới mang tính đột phá, như cụ thể hóa mục tiêu phát triển năng lực cá nhân (nêu trong Luật Giáo dục), xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh.
Chương trình mới được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chủ động chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, khác với các lần cải cách giáo dục trước đây là không có chương trình tổng thể (đổi mới GDPT năm 2000 cũng chỉ có chương trình bộ môn), vì thế thiếu sự liên kết giữa các môn học, bậc học và lần đổi mới này được cho là bài bản nhất vì có chương trình tổng thể. Lần đổi mới này cũng có người phụ trách, với 2 điều phối viên ở cấp THCS, THPT và một điều phối viên chính để kết nối tất cả các bậc học.
“Trước khi đổi mới lần này, Bộ GD-ĐT đã đánh giá 4 lần chương trình GDPT hiện hành. Không phải ngồi phòng lạnh đánh giá mà đã đến tận các sở, trường địa phương, tổ chức nhiều hội thảo… để lấy ý kiến. Sau đó, khi bắt đầu soạn chương trình đã tiến hành dạy thử với yêu cầu là không được lạc hậu so với xu thế của thế giới, không được xa rời thực tiễn cuộc sống”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh. |
Trả lời câu hỏi: “Học sinh làm được những gì?”
Điểm đổi mới rõ nhất là chương trình được xây dựng theo hướng giảm tải tối đa cho học sinh, trước tiên là giảm số môn học. Ở bậc tiểu học, chương trình GDPT mới có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; có 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5 (chương trình hiện hành có 10 môn học ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5). Ở bậc THCS, các khối lớp đều có 12 môn học (theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học). Ở bậc THPT, các lớp đều có 13 môn học (theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học).
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho hay trong quá trình phối hợp biên soạn bộ SGK phục vụ chương trình GDPT mới giữa Sở GD-ĐT TPHCM và Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã nảy sinh nhiều tranh cãi. Để có bộ SGK tối ưu nhất cho học sinh, cả 2 phía đều đấu tranh mạnh mẽ để giữ đội ngũ viết sách của mình. Phía NXB giới thiệu những người có học hàm cao, kinh nghiệm lâu năm về nghiên cứu khoa học; còn đội ngũ do sở tuyển chọn là những giáo viên có nhiều năm giảng dạy thực tế. Tuy nhiên, chúng tôi xác định về chuyên môn là không thể “nhân nhượng” và phải làm để có sản phẩm tốt nhất. |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, nếu như chương trình hiện hành cũng như các chương trình trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”, thì chương trình GDPT mới trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”. Vì vậy, chương trình GDPT mới được thiết kế theo định hướng “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”.
Giáo dục tích hợp giúp học sinh đẩy nhanh quá trình huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng để trưởng thành. Cùng với tích hợp, chương trình GDPT mới thực hiện giáo dục phân hóa - cá thể hóa, đặc biệt là đối với cấp THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp). Học sinh được chọn những nội dung học tập mà các em yêu thích, qua đó tự phát hiện năng lực của mình để rèn luyện và trưởng thành. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.
Chương trình GDPT mới cũng tăng nội dung dạy đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức công dân toàn cầu; khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh và giáo viên.
Đặc biệt, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thiết kế thành các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và doanh nghiệp nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh; giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân. Từ đó lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp và có ý thức chuẩn bị cho việc thực hiện sự lựa chọn đó.