Đổi mới giáo dục với trách nhiệm cao nhất

Hôm nay, 5-9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên; hơn 1 triệu giáo viên chính thức bước vào năm học mới 2018-2019 - năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).

Đây cũng là năm học mà ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục công cuộc đổi mới giáo dục vốn dĩ tốn nhiều thời gian, tâm huyết, tiền bạc của cả xã hội thời gian qua.

Có thể thấy rằng, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW từ năm 2013 đến nay, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà đã có tiến bộ, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng với kết quả nổi bật của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế. Trong giáo dục đại học, đến nay đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ. Bộ GD-ĐT đã giao cho 3 trường thí điểm không còn bộ chủ quản. Việt Nam lần đầu tiên lọt vào nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới… Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đó cũng là điều mà chúng ta cần nhìn nhận một cách công tâm đối với ngành giáo dục.

Dĩ nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, giáo dục còn quá nhiều vấn đề bề bộn mà xã hội luôn “soi vào”. Có thể kể ra đây hàng loạt “hạt sạn” giáo dục như: một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; mạo danh xã hội hóa để lạm thu khiến phụ huynh bức xúc; sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều… Và trên hết là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Tất cả những tồn tại, yếu kém đó đòi hỏi ngành giáo dục phải tiếp tục có tinh thần cầu thị, lan tỏa rộng hơn nữa quyết tâm đổi mới đến từng đơn vị, địa phương, để nền giáo dục thực sự chuyển biến, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chúng ta mong gì ở nền giáo dục? Rõ ràng, với người Việt Nam, cha mẹ có thể nhịn ăn nhịn mặc chứ nhất định không nhịn việc đầu tư cho con ăn học. Bất cứ ai, mọi nỗ lực mưu sinh và phấn đấu cũng là để con cái có một tương lai tốt đẹp hơn cha mẹ mình, mà tương lai phụ thuộc chính vào việc học tập của con trẻ. Không phải tự nhiên mà các phụ huynh trắng đêm chờ trước cổng trường để mong có được cho con mình một chỗ học tử tế. Họ gửi con đến trường với ước mong chúng không chỉ được học kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại mà còn được dạy cách làm người, biết yêu lao động, biết sống có trách nhiệm với Tổ quốc, xã hội, gia đình; biết yêu biết ghét, biết thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Gia đình gửi gắm những “cục cưng, cục vàng” là những đứa con của mình cho nhà trường, thầy cô, chính là gửi gắm cả ước mơ tương lai của họ. Đó là nguyên do mà giáo dục trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của toàn xã hội, của mỗi một gia đình. Bất cứ những bước đi nào của ngành giáo dục đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có lần thốt lên: Ngành giáo dục là nơi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân nhất. Đó là điều đáng mừng, là một điều may mắn cho ngành giáo dục. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng nền giáo dục Việt Nam từ lâu bị đánh giá là có nhiều lạc hậu, vì thế yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện. Song đổi mới là cả một quá trình, có thể bắt đầu từ những việc rất cụ thể. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh, đổi mới giáo dục cũng như xây cái nhà, làm cái đường, xây phòng lớp học…, phải bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng cần lộ trình nhiều năm trời. Trong quá trình đổi mới ấy, không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo. Trong quá trình ấy sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nếu ngành giáo dục với trách nhiệm, tâm huyết, kiên định, thì chắc chắn sẽ có được sự đồng thuận của xã hội để đi đến đích cuối cùng.
 
Ngày 5-9 là ngày hội không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn dân - ngày hội đưa trẻ đến trường. Tiếng trống trường vang lên, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên bước vào một năm học mới với nhiều khát vọng cho tương lai; hơn 1 triệu giáo viên lại bắt đầu năm học mới trong hành trình trồng người vĩ đại của mình. Công cuộc khai mở trí tuệ, tu dưỡng nhân văn của con người, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức công dân toàn cầu... vẫn tiếp tục đòi hòi sự nhẫn nại, thậm chí là cả hy sinh của những thầy cô giáo chân chính. Ngành giáo dục hãy bước đi với trách nhiệm cao nhất sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà và xã hội sẽ tôn vinh vì điều đó.

Tin cùng chuyên mục