Đổi mới, tạo động lực thu hút đầu tư

Những năm qua, kinh tế tỉnh Long An tăng trưởng khá nhanh và một trong những “đòn bẩy” góp phần vào sự phát triển chung đó là hiệu quả từ các khu - cụm công nghiệp (K-CCN) trên địa bàn tỉnh mang lại.
Đổi mới, tạo động lực thu hút đầu tư

Những năm qua, kinh tế tỉnh Long An tăng trưởng khá nhanh và một trong những “đòn bẩy” góp phần vào sự phát triển chung đó là hiệu quả từ các khu - cụm công nghiệp (K-CCN) trên địa bàn tỉnh mang lại.

Hiệu quả thiết thực

Tính đến cuối tháng 2-2016, tỉnh Long An thu hút được 1.080 dự án (trong đó có 428 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 triệu USD và 652 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 45.771 tỷ đồng). Các K-CCN tạo việc làm ổn định cho hơn 270.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức có tổng diện tích 302ha (cả 2 giai đoạn) gồm: KCN Thuận Đạo (Bến Lức) có diện tích 113ha được lấp đầy 100% và KCN Thuận Đạo mở rộng (Cần Đước) có diện tích 189ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 60%, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, Anh, Nhật Bản… với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng gần 35.000 lao động. KCN Phúc Long do Công ty cổ phần Thép TVP làm chủ đầu tư cũng là một trong những KCN hoạt động hiệu quả với nhiều dịch vụ phong phú như cho thuê đất, cho thuê nhà xưởng... Những ngành nghề kinh doanh cũng được lãnh đạo KCN lựa chọn phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thị trường. Điển hình như bố trí riêng từng khu vực cho các nhà đầu tư với những ngành công nghiệp phụ trợ khác nhau. Đây là một trong những “làn sóng” chuyên đón các nhà đầu tư đến từ một số nước như Hàn Quốc đầu tư vào ngành thép; trong khi ngành may mặc, dệt, nhuộm lại là thế mạnh của các nhà đầu tư đến từ Đài Loan...

Hiện nay, các dự án đầu tư vào Long An chủ yếu là 2 loại hình công nghiệp phụ trợ và công nghiệp hoàn chỉnh. Mỗi năm, thu hút hàng trăm dự án đầu tư vào các K-CCN. Những tháng đầu năm 2016, doanh nghiệp trong các K-CCN tạo ra nhiều sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu của cả doanh nghiệp FDI và DDI đạt 67,8 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu của cả doanh nghiệp FDI và DDI đạt 87,4 triệu USD, tăng 13,9% so cùng kỳ, đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Thực tế đó cho thấy, hiệu quả từ các K-CCN trên địa bàn góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ.

Tạo đòn bẩy để phát triển

KCN Long Hậu - Hòa Bình được quy hoạch đô thị gắn với công nghiệp rất hài hòa và bền vững, lại kết hợp vị trí địa lý rất thuận lợi khi tọa lạc tại ngã ba Bình Ảnh chỉ cách TPHCM 29km về phía Bắc, cách TP Tân An 5km về phía Nam và cảng Cát Lái 55km về phía Đông. Thông qua 2 tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 1 và đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, KCN Long Hậu - Hòa Bình giúp nhà đầu tư tận dụng được lợi thế là cửa ngõ giao thương giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia. Hiện tại, có 17 nhà đầu tư tìm đến đây và KCN này kỳ vọng sẽ trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” của các nhà đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện về KT-XH của huyện Thủ Thừa nói riêng, tỉnh Long An nói chung.

CCN Lợi Bình Nhơn, TP Tân An cũng là một trong những CCN hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Tổng Giám đốc Công ty Tanimex (LA) Nguyễn Đức Thanh xác nhận: “Trước khi quyết định đầu tư vào nơi đây, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ và rất hài lòng với những chính sách, cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ dành cho doanh nghiệp ở CCN Lợi Bình Nhơn. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, tìm hiểu và tạo mọi điều kiện tốt để chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Công ty TNHH TexRay (Việt Nam) đang xây dựng nhà máy trong CCN Lợi Bình Nhơn

Với môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục gọn nhẹ, linh hoạt; sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành, địa phương, rất nhiều nhà đầu tư chọn Long An làm nơi dừng chân. Theo Trưởng ban Quản lý các Khu Kinh tế Long An Nguyễn Văn Tiều, trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An xác định công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà. Các K-CCN tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tập trung thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển theo hướng hình thành chuỗi các K-CCN cùng với sự phát triển các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng cần thiết cho toàn khu vực. Tỉnh còn quy hoạch các K-CCN phù hợp với quy hoạch phát triển vùng theo hướng kết nối với hệ thống giao thông, cảng biển.

Long An hiện có 28 KCN với tổng diện tích 10.216ha; trong đó có 16 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 56,6%, có 24 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 8.247,75ha, tổng vốn đầu tư 62,7 triệu USD và 35.453,12 tỷ đồng.  Ngoài ra, còn có 32 CCN; trong đó, 14 CCN với tỷ lệ lấp đầy trên 85%, thu hút 254 dự án đầu tư, gồm 55 dự án FDI có tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD và 199 dự án DDI có tổng vốn 5.100 tỷ đồng.

SONG HỒNG

Tin cùng chuyên mục