Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Thay đổi mang tầm chiến lược

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ là việc lớn, mang tầm quốc gia. Tuy nhiên những phương án đổi mới vừa qua vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi để phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa.
Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Thay đổi mang tầm chiến lược

Báo SGGP tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý của chuyên gia.

* TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM): Có định hướng và lộ trình phát triển trước khi cải tiến

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Thay đổi mang tầm chiến lược ảnh 1 TS Nguyễn Quốc Chính

Theo tôi, đổi mới thi THPT và tuyển sinh ĐH ngành giáo dục trước hết cần được tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm túc, có hệ thống và khoa học. Cần phân tích kinh nghiệm triển khai trong gần 20 năm qua (kỳ thi “3 chung”, kỳ thi “2 trong 1”), đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Song song đó, chúng ta cần xác định rõ mô hình hệ thống, định hướng và lộ trình phát triển trước khi thực hiện cải tiến.

Khi chưa có sự chuẩn bị mà đã xác định phát triển các trung tâm khảo thí độc lập là chưa đủ cơ sở. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam thì vai trò điều phối của nhà nước là rất quan trọng, nên mô hình nhiều trung tâm khảo thí độc lập không phải là mô hình phù hợp. Có thể tham khảo các mô hình ở các quốc gia trên thế giới để thấy xu hướng này.

Vai trò của kỳ thi THPT là rất quan trọng vì kỳ thi THPT được tổ chức trên phạm vi quốc gia. Mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tham gia. Nếu kỳ thi này được tổ chức tốt, đề thi được xây dựng khoa học, giúp đánh giá được năng lực của học sinh thì sẽ giúp định hướng cho quá trình học tập của học sinh phổ thông, nâng cao chất lượng của phần lớn học sinh. Đồng thời, kết quả thi cũng đủ độ giá trị và tin cậy, giúp nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Toàn ngành giáo dục cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện và hệ thống hơn. Phải xác định rõ vai trò của kỳ thi THPT ở cấp quốc gia và của các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH, CĐ hoặc các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức. Từ đó xác định mô hình hệ thống, xây dựng chính sách và lộ trình triển khai phù hợp.

Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi thực hiện đổi mới, ví dụ như: hệ thống khảo thí, đánh giá của Việt Nam sẽ có mô hình, cấu trúc như thế nào? Mô hình này có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hay không?… Cùng với đó là cơ chế, chính sách nào cần thực hiện để bảo đảm sự phát triển của các trung tâm này, đồng thời để giám sát, đánh giá, kiểm định các trung tâm...

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN: Xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Thay đổi mang tầm chiến lược ảnh 2 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Việc thi, tuyển sinh cần đi vào thực chất hơn để các trường đánh giá đúng năng lực thí sinh. Bộ GD-ĐT đang xây dựng lộ trình thi và tuyển sinh với những phương án phù hợp để từng bước triển khai.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án để các trường đại học tăng tự chủ tuyển sinh hơn. Các trường có thể phối hợp tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy để bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm phục vụ mục tiêu tuyển sinh, nhưng phải bảo đảm không để thí sinh đi lại nhiều lần.

Đơn cử như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đã được một số trường sử dụng để xét tuyển. Tương lai, sẽ tiến tới việc 2 ĐH Quốc gia, các đại học vùng xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí để tổ chức kỳ thi phục vụ cho việc xét tuyển.

* PGS-TS ĐỖ VĂN XÊ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Không thể dùng mãi “giải pháp tình thế” 

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Thay đổi mang tầm chiến lược ảnh 3 PGS-TS Đỗ Văn Xê

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học là điều không chỉ các cơ sở đào tạo mà cả dư luận đều mong muốn, để làm sao thi cử nhẹ nhàng, khách quan, công bằng và có kết quả đánh giá đúng. Lâu nay chúng ta quá xem nặng đầu vào thi cử áp lực, tốn kém, căng thẳng nhưng kết quả năm nào cũng có chuyện để nói. Trong khi đó, chất lượng đào tạo đại học không phải quyết định ở đầu vào mà là cả quá trình đào tạo. Vì vậy, chỉ cần có đủ kiến thức căn bản thì người đó sẽ theo học được đại học, còn năng lực phụ thuộc vào cả quá trình học và làm việc người học mới phát huy được.

Các nước trên thế giới từ rất lâu đã thông qua các trung tâm khảo thí để đánh giá kiến thức, sử dụng kết quả vào trường đại học. Nếu Việt Nam thành lập được Trung tâm Khảo thí quốc gia, nhưng phải làm một cách nghiêm chỉnh từ tổ chức, xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi đủ chuẩn để tổ chức thi, thì rất tốt.

Khi có Trung tâm Khảo thí quốc gia, lúc đó có thể tổ chức thi mọi nơi, mọi lúc và cấp giấy chứng nhận kết quả. Trên cơ sở đó, các trường sẽ dùng kết quả để xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, đề khó nhất phải làm đó là thang đo phải chuẩn (ngân hàng đề thi).

Khi chưa có Trung tâm Khảo thí quốc gia, giải pháp tình thế là các trường phải tự tổ chức hoặc phối hợp để tổ chức tuyển sinh như cách ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM đang làm. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm làm chứ không thể dùng mãi “giải pháp tình thế”.

Tin cùng chuyên mục