Đổi mới toàn diện GD-ĐT không thể chắp vá, thiếu tầm nhìn

(SGGP).- Ngày 27-9 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tham dự có đông đảo các nhà nghiên cứu giáo dục.

(SGGP).- Ngày 27-9 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tham dự có đông đảo các nhà nghiên cứu giáo dục.

Tại đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trình bày dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 với 7 giải pháp, trong đó có 3 giải pháp có tính đột phá là: đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục.
 
Phát biểu tại tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, vừa qua Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt vấn đề “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, điều này cho thấy Đảng đã thấy sự cấp bách của vấn đề này. Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Muốn chuyển biến căn bản và toàn diện, nhất thiết phải cải cách giáo dục. Nếu đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện.

Vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể của từng bộ phận cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghĩa là điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phận và cả hệ thống.
 
GS - TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục trước hết cần nhận thức sâu sắc tính cách mạng và khoa học của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ lẻ, cục bộ, mang tính bề mặt.

“Đơn cử như việc giảm tải chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ đơn giản là giảm khối lượng và độ khó kiến thức như Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo là loại bỏ những phần trùng lặp, những phần được cho là quá khó; mà bao trùm hơn là cần xác định rõ mục tiêu giáo dục phổ thông có cần đổi mới không? Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Tỷ lệ và tương quan các mặt giáo dục đó ở các cấp tiểu học, THCS, THPT có cần thay đổi không?... Rõ ràng vấn đề giảm tải giáo dục phổ thông không được nghiên cứu thấu đáo trong những tương quan trên thì việc thực hiện sẽ chỉ là sự “chữa cháy”, không cơ bản, không đạt được những mục tiêu quan trọng hơn đối với giáo dục phổ thông”, ông Toản nói.
 
GS Hoàng Tụy đưa ra 4 vấn đề nhằm thay đổi giáo dục một cách toàn diện và cơ bản. Đó là thay đổi cơ bản cách học và thi; cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa đại học và then chốt nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo chức.

Cuộc tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao với nền giáo dục, đồng thời đưa ra những lý giải, đề xuất nhằm đưa nền giáo dục nước ta sớm trở thành nền giáo dục mở, dân tộc, hiện đại, tương thích với các nền giáo dục tiên tiến của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

PH. THẢO

Tin cùng chuyên mục