Hiện nay, nhiều bài hát gắn với tên tuổi của ca sĩ chứ không phải nhạc sĩ. Thù lao của một vài ca sĩ siêu sao cao ngất ngưởng, cá biệt có sao có lúc đạt tới giá 100 triệu đồng/đêm diễn vài ba bài hát, trong khi tác giả thường bị bỏ qua. Biểu diễn là nghề thổi hồn dựng vía cho tác phẩm.
Người biểu diễn là hồn vía
Xưa nay tác giả ít khi nắm được số phận đứa con tinh thần của mình. Tính quyết định sức sống của tác phẩm lẽ ra trước hết phải là chất lượng của chính nó thì nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự nổi tiếng hay không của người biểu diễn.
Một khi câu khách trở thành mục tiêu của giới làm nghệ thuật, của các liveshow đánh bóng tên tuổi thì dưới lớp váng màu mè bắt mắt có bao nhiêu là sạn. Nào là những hình ảnh phản cảm trên sàn diễn, những câu chuyện hậu trường xôn xao, những tình tiết đời tư giật gân về người của công chúng cứ nhan nhản trên mặt báo.
Quả thật, những chương trình nhộn nhạo ấy đang kéo xuống thấp hơn thị hiếu đại chúng vốn rất ít được cải thiện về thẩm mỹ. Truyền thông có tác động thật ghê gớm. Ca sĩ này mặc quần áo xuyên thấu, mỏng hơn cánh chuồn chuồn, trễ trên cũn cỡn dưới…; ca sĩ nọ mê váy hở ngực, mặc quần như không…
Ngồn ngộn những bài giật tít úp mở kiểu đó trên nhiều đầu báo, trang mạng khác nhau đã phần nào cổ xúy cho một xu hướng không lành mạnh, trái nghệ thuật và nguy hại hơn là nó có vẻ khích lệ “thương hiệu” ăn mặc phản cảm chứ không phải là chuyện thi thố giọng hát, tài năng đích thực. Đua nhau diện đồ gây “sốc” bỗng dưng trở thành mốt.
Càng cấm càng tò mò
Thế nên, trong thời buổi nhiễu loạn giá trị thật - giả thì vai trò của nhà quản lý biểu diễn rất quan trọng. Nhưng cái khó trong quản lý trước hết là tình trạng thị trường âm nhạc vốn rất sôi động và lệch hẳn về mảng ca nhạc giải trí, lệch đến mức phần lớn công chúng vẫn lầm tưởng ca khúc đại chúng là toàn bộ nền âm nhạc nước nhà.
Ca khúc nghệ thuật có phần đệm piano, tác phẩm đoạt giải hàng năm của Hội Nhạc sĩ và các hội chuyên ngành chật vật mãi vẫn không tìm ra một chỗ đứng nhỏ nhoi trong sinh hoạt ca nhạc, trong khi thị trường âm nhạc vẫn cứ ồn ã các kiểu hàng chợ. Nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc té ghế, thảm họa nhạc Việt… mà có lúc nó hút một bộ phận giới trẻ mải mê nghe, bình phẩm rất mạnh.
Trước tác hại của những sản phẩm phi nghệ thuật, sự cấm đoán không phải là cách hữu hiệu, càng bị cấm càng tò mò, nhất là giới trẻ. Cách loại bỏ cái phi nghệ thuật hiệu quả nhất là cung cấp kịp thời cái hay, hấp dẫn và có chất lượng. Đầu tư sáng tác chỉ là điểm khởi đầu, vai trò bà đỡ của người quản lý và tổ chức biểu diễn mới thực sự quyết định để đưa được tác phẩm có giá trị vào đời sống và gây dựng được nhiều chương trình hay để hấp dẫn khán giả.
Gần đây, mấy vụ việc liên quan đến trang phục, bản quyền, hát nhép, cấp phép đã đẩy cơ quan quản lý các cấp vào thế bị động và chữa cháy bằng những giải pháp tình thế, bằng những quyết định lúc cấm, lúc cho phép khi sự đã rồi. Thậm chí còn tình trạng bộ cho, sở cấm, hoặc cấp phép xong chưa ráo mực lại hủy phép khiến giới biểu diễn và công chúng chẳng biết hiểu sao cho đúng.
Quản lý phải chuyên nghiệp
Lâu nay, ta vẫn luôn nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong sáng tác và biểu diễn, đào tạo người làm nhạc và giáo dục người nghe nhạc… nhưng hình như ít nhắc đến lĩnh vực quản lý. Đúng ra lĩnh vực này còn cần sự chuyên nghiệp đồng bộ hơn bao giờ hết, nhất là khâu tổ chức và quản lý biểu diễn - một nghề ở ta vẫn chỉ dựa trên kinh nghiệm thực tế chứ không được đào tạo một cách bài bản.
Ông bầu của một nghệ sĩ cũng cần có nghề nói chi đến một tổ chức quản lý biểu diễn mang tầm tỉnh, TP hoặc cả nước. Quản lý có nghề phải là người điều hành lành nghề đến mức hiểu thấu đáo mọi công đoạn, mọi ngõ ngách của các chương trình biểu diễn và biết cách làm cho nghệ thuật thăng hoa.
Nói cách khác, điều kiện cần và đủ cho dàn nhạc hay là tập hợp được nhạc công giỏi và ăn ý nhau dưới cây đũa chỉ huy của một nhạc trưởng tài ba. Và điều mong mỏi cho hoạt động biểu diễn hiện nay là cần một nhạc trưởng như thế.
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU