Sáng nay 21-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo và cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.
Thừa uỷ quyền Chính phủ trình bày về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Chương trình năm 2021 được Chính phủ đề nghị gồm 8 dự án. Tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 14, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15, Chương trình thông qua gồm 1 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chương trình cho ý kiến, gồm 5 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo; trong đó đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24 dự án, tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với các dự án được Chính phủ đề nghị điều chỉnh, bổ sung trong Chương trình kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình để trình sau Đại hội XIII của Đảng.
“Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020, nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội 15 mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 9 (vì về bản chất việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai)”, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật lưu ý, theo yêu cầu tại các Nghị quyết Trung ương, Kế hoạch của Bộ Chính trị, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, các nghị quyết của Quốc hội, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ năm 2019 vẫn còn một số dự án luật cần được nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình trong năm 2020 và các năm tiếp theo để trình Quốc hội thông qua, nhưng đến nay Chính phủ và các cơ quan có liên quan vẫn chưa có đề xuất đưa vào Chương trình.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề xuất xây dựng Luật Dịch vụ công Là ĐBQH hiếm hoi đã từng đưa ra sáng kiến lập pháp (xây dựng Luật Hành chính công), bà Trần Thị Quốc Khánh tiếp tục trình UBTVQH một kiến nghị khác là xây dựng Luật Dịch vụ công trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh lý giải: “Việc xây dựng Luật về dịch vụ công ở nước ta trong tình hình hiện nay, góp phần thể chế hóa các Nghị quyết quan trọng của Đảng; góp phần lấp đầy “khoảng trống pháp lý” từ nhiều năm nay ở nước ta; tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu thực hiện xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; tạo cơ hội cho mọi tổ chức, cá nhân làm tham gia cung ứng dịch vụ công có chất lượng và hiệu quả”. |