Chuyến công du đến Ai Cập của Thủ tướng Narendra Modi gần đây cho thấy mục tiêu muốn củng cố và gia tăng vị thế của Ấn Độ tại một trong những khu vực có nhiều tiềm năng kinh tế nhất trên thế giới.
Điểm đặc biệt là chuyến công du Ai Cập của Thủ tướng Modi được thực hiện chỉ vài tháng sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống El-Sisi. Cairo vốn đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Trong cộng đồng Arab, Ai Cập là quốc gia lớn nhất và là nền kinh tế lớn, một trong những đối tác thương mại chủ chốt của Ấn Độ ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Ai Cập có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng khi 12% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển qua Kênh đào Suez mỗi năm. Cairo là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ tìm đến các thị trường lớn ở cả châu Âu và châu Phi.
Không riêng Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Saudi Arabia đang tích cực tìm cách mở rộng quan hệ với Ấn Độ. Với Saudi Arabia, gia tăng kết nối với Ấn Độ sẽ tạo thêm cơ hội gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), tổ chức mà Ấn Độ đóng vai trò là thành viên chủ chốt. Sự liên kết của Saudi Arabia với BRICS sẽ định hình lại địa chính trị năng lượng và có khả năng thách thức sự thống trị của các thị trường dầu mỏ phương Tây. Mối quan hệ đối tác chiến lược này có thể giúp tăng cường hợp tác năng lượng, liên doanh trong khai thác và sản xuất dầu, thiết lập các cơ chế thương mại năng lượng thay thế, cuối cùng, thúc đẩy an ninh năng lượng.
Theo Foreign Policy, nếu các đối tác Trung Đông của Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Washington, thì New Delhi nằm trong số các lựa chọn. Trung Đông giờ đây đang hút vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm cho đến sáng lập các công ty trong lĩnh vực tiên tiến như fintech (công nghệ tài chính), chuyển đổi số và năng lượng tái tạo. Đây vốn là những lĩnh vực thế mạnh của quốc gia đông dân nhất thế giới. Giới quan sát dự báo, trong thời gian tới, quan hệ Ấn Độ và Trung Đông sẽ tiếp tục phát triển.