Đổi thay trên quê hương mẹ Suốt

Bên triền cát sông Nhật Lệ là xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), quê hương mẹ Suốt, mười năm trước muốn qua đây phải lụy đò, hoặc ngược lên thượng nguồn mới về được Bảo Ninh. Nay có cầu Nhật Lệ thênh thang vượt sông, người Bảo Ninh đã đổi đời. Họ nói nhờ có Đảng mà quê mẹ Suốt có được như ngày hôm nay.
Đổi thay trên quê hương mẹ Suốt

Bên triền cát sông Nhật Lệ là xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), quê hương mẹ Suốt, mười năm trước muốn qua đây phải lụy đò, hoặc ngược lên thượng nguồn mới về được Bảo Ninh. Nay có cầu Nhật Lệ thênh thang vượt sông, người Bảo Ninh đã đổi đời. Họ nói nhờ có Đảng mà quê mẹ Suốt có được như ngày hôm nay.

Đòn bẩy từ cây cầu

Mười năm trước, những người xóm làng của mẹ Suốt nói họ không hề mơ tưởng một ngày nào đó có chiếc cầu để Bảo Ninh cát trắng thoát đói nghèo. Mười năm trước, tôi qua Bảo Ninh viếng mộ mẹ Suốt, những con đường làng dẫy cát trắng, chân trần lẫn cát. Cả Bảo Ninh úp trên cát để mưu sinh, từng căn nhà lợp lá, lợp cỏ khốn khó đợi chờ cuộc trở mình.

Rồi cầu Nhật Lệ được khánh thành, mới chưa đầy mười năm nhưng đã đưa lại diện mạo hoàn toàn khác. Bên này chợ Đồng Hới, dưới tượng đài mẹ Suốt, phóng tầm mắt qua mảnh làng Sa Động, Đông Dương, Trung Bính… tìm mỏi mắt không thấy bóng dáng căn nhà nào còn lợp lá. Hàng ngàn hộ gia đình đã thoát nghèo. Làng thành phố xá đông đúc, nhà cửa san sát.

Bên ngã ba sông làng Sa Động, trưởng thôn Võ Quý Thẳng nói trước con sóng: “Cả Bảo Ninh sống với nước của sông, của biển, lớn lên là theo thuyền ra khơi vô lộng. Đánh bắt được nhưng khi chưa có cây cầu thì dân ở đây biệt lập với thế giới bên ngoài, mang tiếng thành phố mà dân trí lạc hậu vô cùng. Nhưng mọi việc đổi khác khi có chiếc cầu Nhật Lệ. Thường vụ Tỉnh uỷ quyết tâm đưa Bảo Ninh của mẹ Suốt thoát nghèo bằng chiếc cầu ý Đảng lòng Dân. Thắng lớn là ở đó”.

Nhà mái ngói đã thay nhà lợp rơm rạ trước đây, cuộc sống trên quê hương mẹ Suốt ngày một thay đổi.

Nhà mái ngói đã thay nhà lợp rơm rạ trước đây, cuộc sống trên quê hương mẹ Suốt ngày một thay đổi.

Đổi thay

Mười năm trước, con đường cái quan của xã Bảo Ninh chỉ là lối mòn đầy cát. Gần mười ngàn con người lấy ngõ đường đó mưu sinh, nên quẩn quanh không khá lên được. Nay đại lộ cát đã là con đường nhựa hai chiều hiện đại. Người Bảo Ninh của mẹ Suốt có cuộc sống ấm no bây chừ thường nhớ lại câu chuyện vui, cái ngày cầu Nhật Lệ vừa khánh thành, làng nào ở đây cũng sắm xe đạp để tập. Nam phụ lão ấu đều mê tập xe, bởi sống trong cát suốt bao đời, người Bảo Ninh chưa hề được tập tành xe đạp một cách đàng hoàng vì làng chẳng có đường đất nện.

Thành ủy TP Đồng Hới đã quan tâm sát sao với quê hương mẹ Suốt. Muốn vực dậy cuộc sống, phải sắm cho dân những con đường. Từ vài cây số đường nhựa, đến nay Bảo Ninh đã có hàng trăm cây số đường bê tông, đường nhựa, xóm trên ngõ dưới từng ngày đi được xe đạp, đi được xe đạp thì bắt đầu đi được xe máy và cứ thế, người Bảo Ninh dần thoát khỏi cảnh khổ trên cát. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, trước khi chưa có cầu, người Bảo Ninh ra khơi vào lộng vài hải lý, nhưng từ khi có cầu, việc thu mua hải sản của người dân thuận tiện hơn mà xã dần trở thành địa phương hùng mạnh trong đánh bắt hải sản. Từ chỗ vài chiếc thuyền lá rẽ sóng biển Đông, nay Bảo Ninh đã có gần 400 tàu thuyền đánh bắt ở khắp các ngư trường Việt Nam. Lão ngư Nguyễn Hết có chiếc tàu đánh bắt cả tháng trên biển, vừa rẽ sóng về nói to: “Từ ngày có cầu, dân làng biển đi chuyến mô cũng bán được giá. Nghề biển chừ làm ăn được vì được Đảng, Nhà nước quan tâm từ hỗ trợ máy móc, vay vốn, bảo hiểm. Làm ăn như rứa yên tâm, ấm lòng lắm”.

Chỉ vào căn nhà ba tầng khang trang của mình, ngư dân Trương Ty nói: “Tui có đội tàu ba chiếc, mỗi chuyến ra khơi thu về hơn tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi chuyến còn dư cả trăm triệu lãi ròng. Nếu không có chủ trương đúng đắn của Đảng thì nhà tui, dân làng biển của tui khó mà làm ăn lớn với biển. Chủ trương đúng sẽ giúp dân làm giàu. Nhà tui có được như ngày hôm nay cũng là nhờ chủ trương hợp lòng dân đây”.

Nay đi khắp Bảo Ninh, không còn làng nào quần quật với khó khăn, từng xóm lá nhỏ đã biến mình thành góc phố vững bền. Người Bảo Ninh bám biển đã làm ra sản lượng đánh bắt hơn 5.000 tấn hải sản, trị giá hơn 60 tỷ đồng, 8.500 người làng sống tốt với nghề và tạo việc làm cho hơn 300 lao động khác với giá trị tiền lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Cuộc đổi thay đó thật ngoạn mục.

Một luồng gió mới đang đưa bán đảo Bảo Ninh đến cơ hội mới: khai thác du lịch. Đã có hơn 40 dự án du lịch đầu tư vào đây với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Bờ biển đẹp, yên bình đã níu các dự án du lịch về đây. Đã có hai dự án phát huy hiệu quả là khu du lịch Sun Spa và dự án của tập đoàn Saigontourist đi vào hoạt động, mỗi năm đón hàng ngàn du khách thế giới đến nghỉ dưỡng, đã đưa lại một diện mạo mới cho Bảo Ninh.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục