Tỉnh Sóc Trăng có dân số gần 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35%. Đặc biệt, Sóc Trăng là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất cả nước, với hơn 30,1% (tương đương khoảng 362.000 người).
Trước thềm lễ hội Sene Dolta 2024 (cúng ông bà), lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer, chúng tôi có dịp về lại xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nơi có gần 93% dân số là dân tộc Khmer sinh sống. Hơn 10 năm trước, trong ký ức của chúng tôi nơi đây là một phum, sóc hiu quạnh với những con đường sình lầy, hai bên đường tối om, len lỏi chỉ vài căn nhà lá lụp xụp, xe 2 bánh phải khá vất vả mới về được tới xã.
Nay đã khác hẳn với trước, nhiều phum, sóc ở Phú Mỹ giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, khi về đích nông thôn mới từ đầu năm 2024. Xe ô tô từ tỉnh lỵ Sóc Trăng có thể bon bon chạy về trung tâm xã, các tuyến đường được thảm nhựa, bê tông thẳng tắp, nhiều căn nhà kiên cố mọc lên, người và phương tiện đi lại tấp nập…
Ông Bành Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết, bằng việc huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững, Phú Mỹ hiện đã được nhựa hóa, bê tông hóa tất cả tuyến đường trục xã, liên xã và đường ấp, đảm bảo đi lại thuận tiện. Ngoài ra, hạ tầng hệ thống điện, nước, giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi… cũng đã được đầu tư khang trang, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Phấn khởi trước sự “lột xác” của Phú Mỹ, ông Quang cho biết thêm, phát huy hạ tầng nông thôn mới, đồng bào Khmer trong xã đã mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trồng lúa chất lượng cao (ST25), vùng chuyên canh rau màu, nuôi bò thịt, bò sữa... Tính đến cuối năm 2023, người dân xã Phú Mỹ có thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm (tăng gần 4 lần so với 15 năm trước), đặc biệt hộ nghèo từ tỷ lệ hơn 20% hiện chỉ còn 0,15%.
Không chỉ riêng Phú Mỹ, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc tại hầu hết các phum, sóc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều có sự “thay da đổi thịt” rất lớn. Cụ thể, từ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 100% xã có đường ô tô đi đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia; 99,65% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm 2%/năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3%/năm. Hiện tỉnh Sóc Trăng đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 34 xã là vùng đồng bào dân tộc, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết thêm, thông qua lồng ghép, triển khai hiệu quả nguồn lực 3 chương trình mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc của tỉnh không ngừng được nâng cấp, đổi mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng, tạo sự giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội với giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.