Bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi về vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. “Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?”, Nguyễn Thành Trung hỏi.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng trả lời, con số thống kê Trung nêu ra là từ năm 2017, còn trong 3 năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng; Liên hợp quốc đã xếp Việt Nam vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, còn rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này, các giải pháp đã được chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia. Trong đó, 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT-TT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Chia sẻ thêm về giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng, Thứ trưởng cho biết, đối với người dân, chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng. Một là bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng. Hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại; trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp cho thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.
Bộ TT-TT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, người dân có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn để được giải đáp mọi thắc mắc về an ninh mạng, đồng thời Bộ TT-TT cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.
“Chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; phân công các bộ, ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, “như hôm qua 25-3 có sự cố liên quan tới chứng khoán”; phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau; đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Thủ tướng cho biết, đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: học tập công nghệ thông tin; học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); giữ gìn vệ sinh môi trường. Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia.
Cũng về vấn đề này, doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn đặt vấn đề: thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp nói chung đã là việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua. Nhờ đó mà người dân nói chung, các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích. Thứ trưởng dẫn chứng: “tôi mở tài khoản ngân hàng chỉ mất 3 phút bằng điện thoại di động, không phải đến ngân hàng”.
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay có khoảng hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng dữ liệu quốc gia, trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày, rất thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "đúng - đủ - sạch - sống", chúng ta đã có dữ liệu rất chính xác. Hiện nay, Việt Nam có trên 105 triệu dân và đã có 89 triệu người được định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Cùng với các dữ liệu chuyên ngành, chúng ta phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối, chia sẻ có hiệu quả, sẽ tạo dần nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; đồng thời tạo nên nền kinh tế số, phòng ngừa tham nhũng vặt, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.
“Chúng tôi đang phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử và đến năm 2030, là tốp 50 nước khai thác hiệu quả Chính phủ điện tử”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng đặt vấn đề: ngoài yếu tố con người thì Chính phủ có giải pháp nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ là rất quan trọng. Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số...
Còn theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo, Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Chùm ảnh Thủ tướng đối thoại với thanh niên. Ảnh: VIẾT CHUNG