
Thụy Sĩ là nơi cả FIFA lẫn UEFA đặt đại bản doanh, có nhiều ngân hàng đáng tin cậy nhất thế giới nhưng có lẽ sẽ không phải là nơi chiếc cúp vô địch Euro 2008 trú ngụ. Thực ra, đã có thời đội tuyển Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những đội tuyển mạnh nhất châu Âu, nhưng cái thời của Karl Rappan và hàng phòng ngự mạnh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ rồi.
Euro 2008 mới là lần thứ 2 Thụy Sĩ có mặt ở giải vô địch châu Âu, sau Euro 96.
Hồi ấy, Thụy Sĩ duới sự dẫn dắt của HLV người Anh Roy Hodgson đã bị loại sau giai đoạn 1. Lần này, cơ hội tiến xa của họ cao hơn một chút, nhờ lợi thế sân nhà và nhờ kết quả bốc thăm rất “đỡ”.
Ở bảng A, họ sẽ gặp CH Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha và họ đang nhắm tới mục tiêu tiến xa hơn vòng tứ kết. Bởi dù sao đi nữa, những Barnetta và Volanthem là những tài năng đã được thừa nhận.
T.M
HLV KOBI KUHN:QUAN TRỌNG NHẤT LÀ BARNETTA

- Với ông, thế nào là một kỳ EURO thành công?
- Chúng tôi dĩ nhiên sẽ phải hưởng lợi nhờ ưu thế sân nhà. Do vậy, lọt vào tứ kết là mục tiêu tối thiểu phải đạt được. Tôi không muốn nghĩ đến việc chỉ thi đấu 3 trận rồi chia tay giải.
- Nhận định của ông về các đối thủ trong bảng?
- Điều gì cũng có thể xảy ra. Sẽ tồi tệ hơn nếu như chúng tôi phải gặp Đức hay TBN ở vòng bảng, vì đấy là các đối thủ mà chúng tôi luôn gặp rắc rối. Theo bảng xếp hạng của FIFA thì Bồ Đào Nha, CH Séc và Thổ Nhĩ Kỳ đều đứng trên chúng tôi khá xa. Đấy đều là các đội có lối đá đẹp, nhưng chúng tôi đều đã thắng các đội ấy tại Thụy Sĩ. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy đội chủ nhà khi nào cũng chơi tốt. Bồ Đào Nha có thể là đội mạnh nhất trong bảng, nhưng họ không phải là đội bóng đến từ hành tinh khác.
-Trận ra quân gặp CH Séc quan trọng như thế nào?
- Rất quan trọng. Đội nào thắng sẽ có cơ hội lọt vào vòng trong rất cao, còn đội thua phải chịu áp lực nặng nề. Thành công ở một giải đấu thường được quyết định ở các thời điểm cụ thể. Khởi đầu với 3 điểm, thế là mọi chuyện trở nên tốt đẹp, cả nước sẽ ủng hộ, đội bóng sẽ tự tin hẳn. Chúng tôi đã hiểu rõ kinh nghiệm này, tại World Cup 2006.
- Ông có lo ngại về những chuyện đã xảy ra ở vòng loại World Cup 2006, giữa Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ?
- Hoàn toàn không. Đấy là chuyện cũ, và đã khá lâu rồi. Tôi tin rằng các cổ động viên Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tập trung theo dõi bóng đá tại Euro này thay vì nhớ lại những chuyện đã qua.
- Đâu là các ứng cử viên vô địch?
- Đức có vẻ rất mạnh. Tôi nghĩ là họ sẽ nối tiếp thành công tại World Cup 2006. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng có ấn tượng tốt, nhưng đấy không phải là các ứng cử viên vô địch duy nhất. Cuộc đua đến ngôi vô địch đang rộng mở.
- Đâu sẽ là đội gây bất ngờ lớn?
- Tại sao không phải là Thụy Sĩ?
- Cầu thủ quan trọng nhất của Thụy Sĩ?
- Điều quan trọng nhất là lối chơi đồng đội, là khâu tổ chức. Trong lối chơi ấy, tôi chờ đợi nhiều nơi tiền vệ Tranquillo Barnetta.
- Vì sao ông ra đi sau VCK?
- Tôi đã huấn luyện Thụy Sĩ 7 năm. Đã đến lúc chia tay rồi.
“Kobi Kuhn đang chuẩn bị bước vào giải lớn thứ 3, cũng là giải lớn cuối cùng của ông với tư cách HLV trưởng ĐTQG. Ông ta có thể ra đi trong vinh quang, nhưng điều quan trọng là có những dấu hiệu không ổn. Thụy Sĩ đã thua 4 trận liên tiếp (tính đến cuối tháng 3 vừa qua), thủng lưới 8 bàn và chỉ ghi được 1 bàn. Có quá nhiều tuyển thủ không đá chính ở CLB, hoặc không có phong độ tốt. Vấn đề này liên quan đến câu hỏi ai sẽ đá cặp với Alexander Frei. Bản thân Frei chỉ vừa trở lại sau thời gian dài vắng mặt vì chấn thương. Nếu Thụy Sĩ vượt qua vòng bảng, đấy sẽ là thành tích tuyệt vời. Còn nếu thất bại, người ta sẽ bảo đáng lẽ Kuhn phải ra đi sớm hơn”.
|
TRI KỶ (lược dịch)
Chiến thuật ưa thích của Kobi Kuhn 4-4-2
Chú ý nhất: Barnetta
Trách nhiệm lớn: Inler

Sơ đồ chiến thuật 4-4-2 của Kobi Kuhn có 2 biến thể ở cách bố trí hàng tiền vệ. Thứ nhất là bố trí hàng tiền vệ theo dạng hình thoi. Trong đó thấp nhất là Inler và nhô cao nhất là Barnetta, ở giữa là Fernandes và Behrami hơi giãn ra 2 biên đôi chút (xem sơ đồ). Bộ đôi ở giữa này phải vừa tham gia tấn công, vừa tham gia phòng ngự.
Trái lại, cách thứ hai bố trí hàng tiền vệ là “1+3”, trong đó Inler vẫn lùi xuống trông coi hàng hậu vệ nhưng bộ ba Barnetta, Fernandes và Behrami gần như hoạt động trên cùng một vĩ tuyến và tấn công hoàn toàn.
Theo cách bố trí nào cũng vậy, Barnetta vẫn luôn được xem là cầu thủ quan trọng nhất. Chàng tiền vệ đang khoác áo Bayer Leverkusen này có tốc độ ghê gớm, khả năng hoạt động rộng, luôn tận tình cống hiến cho tập thể. Mặc dù vậy, trách nhiệm nơi tiền vệ phòng thủ Inler cũng to lớn không kém.
Vấn đề nằm ở khâu tấn công: ai sẽ phối hợp cùng chân sút khát khao săn bàn Frei trên tuyến đầu. Tiền đạo có tốc độ cao Derdiyok? Marco Streller giàu kinh nghiệm? Hay Volanthen có tốc độ cao? Dù là ai chăng nữa, khâu tấn công của Thụy Sĩ vẫn cần nhiều sự hoán đổi vị trí, những đợt lên bóng nhanh ở hai biên.
Cho dù đội tuyển Thụy Sĩ là đồng chủ nhà của Euro 2004, họ vẫn thận trọng thay vì mở rộng thế trận tấn công toàn diện. Bởi dù sao đi nữa, họ cũng không phải là cuờng quốc bóng đá châu Âu. Bản năng của họ là lùi về, chờ một dịp thuận tiện để phản công. Điều đáng nói chỉ là liệu họ có tìm được khoảng trống cho bộ ba tấn công hay không mà thôi.
Về phần hàng phòng thủ, đó là một đơn vị thống nhất, thi đấu đầy hiệu quả. Các hậu vệ cánh Degen và Magnin có tính năng tấn công cao, và mỗi khi họ dâng lên thì luôn có sự bọc lót tương đối tốt ở phía sau. Ở vị trí trung vệ, suất thi đấu của Senderos (Arsenal) không một ai tranh chấp được. Suất còn lại có thể thuộc về Djourou.
TIẾN MINH (tổng hợp)
(SGGP TT)