Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa ban hành cũng nhấn mạnh đến “tư duy vùng” trong phát triển và vận hành nền kinh tế dựa trên các trục động lực về hạ tầng giao thông.
Những công trình, dự án kết nối trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã được nêu rõ: Về đường bộ là các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, TPHCM - Chơn Thành - Hoa Lư, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. Đồng thời nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc, quốc lộ chính yếu: TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kết nối Sân bay Long Thành (quốc lộ 20B); đầu tư hệ thống đường ven biển qua Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM.
Về đường sắt là đưa vào khai thác đường sắt đô thị TPHCM, tuyến đường sắt đô thị kết nối TPHCM với Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa kết nối với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, TPHCM - Cần Thơ.
Về đường thủy, cảng biển tập trung cải tạo cơ bản chuẩn tắc các tuyến luồng đường thủy nội địa, hình thành các cụm cảng để phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng; tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn, phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch. Về các tuyến hàng không cần đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị cần thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp từ các nhà tài trợ quốc tế, ngân sách trung ương và địa phương để giải quyết nhanh hơn các dự án giao thông trong vùng Đông Nam bộ.
Đây là kiến nghị mang tính đòn bẩy thực thi, nói cách khác, nó “có thực” để “mới vực” các dự án hạ tầng giao thông vùng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác. Nó giải quyết cho cả hai: mục tiêu “liên kết” và điều kiện tiên quyết là nguồn lực tài chính. Bởi nhược điểm có tính cố hữu của chúng ta là thường trong các chính sách, hành động liên kết lại mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa tỏ rõ vai trò “nhạc trưởng” điều phối. Khi vạch ra các tính toán quy hoạch, ban hành kế hoạch lại không “đính kèm” nguồn lực, trong đó nguồn vốn gần như là yếu tố “đầu tiên”, dẫn đến thiếu tính khả thi, khó triển khai thực tế.
Vì vậy, liên kết bằng nguồn huy động vốn trong nội vùng, vùng với trung ương, quốc gia - vùng với khu vực, quốc tế là một hướng đi có tính mở, thực tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc có một cơ chế tài chính chung là hết sức cần thiết để đảm bảo nguồn lực và tính trách nhiệm cho hoạt động liên kết. Trong cơ chế chung này, bên cạnh sự cùng đóng góp của các địa phương, Chính phủ và các bộ ngành luôn cam kết hỗ trợ một phần. Yếu tố hỗ trợ từ Trung ương đóng vai trò là nhân tố khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về liên kết.
Do đó, về mặt chủ trương lẫn thực tiễn, việc xây dựng một nguồn tài chính cho mục tiêu liên kết vùng là cần thiết. Nguồn tài chính này ngoài việc để đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra trong quá trình liên kết vùng, còn là cơ chế để phân bổ lại một phần nguồn lực từ các hoạt động riêng lẻ của mỗi địa phương sang các hoạt động mang tính liên kết, hợp tác.
Nguồn hình thành cũng đã được nhiều chuyên gia gợi ý, từ: Vốn ngân sách nhà nước, gồm ngân sách trung ương và địa phương; Nguồn xã hội hóa; Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Vấn đề còn lại là các phương án để tổ chức nguồn tài chính này như thế nào, kiểm soát chặt chẽ và vận hành, khai thác nó ra sao để đạt được hiệu quả thực tế thì sẽ là trách nhiệm thực thi và cam kết hành động của từng địa phương - vùng Đông Nam bộ và các cơ quan Chính phủ.
Riêng TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, người đứng đầu chính quyền thành phố, người đề xuất kiến nghị, cũng đã quyết tâm: Thành phố cam kết hành động với trách nhiệm cao nhất để hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và đóng góp vào sự phát triển chung của Vùng và cả nước.
Như một đòn bẩy thực thi cho các mục tiêu hạ tầng giao thông Đông Nam bộ!