Đồn biên phòng trên “cửa trời”

Đường lên “cửa trời”
Đồn biên phòng trên “cửa trời”

Đắk Pring, theo người Ve là dòng nước ngang trời, nhưng người Tà Riềng lại thích gọi tên “cửa trời”. Xa tít trên “cửa trời” có Đồn biên phòng Đắk Pring (Nam Giang, Quảng Nam), như cơi lửa giữa núi rừng hoang lạnh, sưởi ấm lòng dân bằng tấm lòng chăm pưi (thật bụng).

Đường lên Đồn biên phòng 661 (Đăk Pring) hiểm trở và gian nan.

Đường lên Đồn biên phòng 661 (Đăk Pring) hiểm trở và gian nan.

Đường lên “cửa trời”

Đồn biên phòng Đắk Pring (còn gọi Đồn 661) nằm trên quả đồi cao, nhìn xa trước mặt là dãy núi xanh ngút màu rừng rậm, có con sông Pring chao chiêng giữa lưng chừng núi. Muốn lên Đắk Pring, từ suối Chà Cóp ở Đắk Pre, không còn cách nào khác phải tăng bo xe máy vượt gần 20km đường đèo cao, núi dốc. Khi chúng tôi đến suối Chà Cóp, 8 cán bộ chiến sĩ đã đợi sẵn. Ai nấy đều mang ủng đen đến gần gối.

Đường dốc trơn trợt, trung úy Coo R Trung nói đùa: “Lên đồn khó hơn lên trời đấy, nhà báo ngồi cho vững nhé, qua nhiều dốc, vực sâu lắm”. Cả đoàn 8 chiếc xe máy lấm lết bùn đất bắt đầu rúc lên tiếng nổ nằng nặng leo từng con dốc cao. Qua dốc 58, dốc Nhà Trường, rồi vực Con Cọp… Coo R Trung quay ra phía sau nói: “Đã có vài người đi xe không vững, rơi vực chết rồi đó! Mới 2 tháng trước, trời tối, một người dân đi làm xa về, rơi xuống thung lũng đá, chấn thương sọ não qua đời”.

Người dân trong vùng và cả cánh lính biên phòng vẫn hãi hùng với con dốc Âm Phủ, bởi nó gần như dựng đứng, nền dốc đá lởm chởm. Sống trong vùng từ đời này qua đời khác nhưng người Ve, Tà Riềng, Cơ Tu đều không dám vượt dốc Âm Phủ ban đêm. Kring Tuấn, người ở cuối xã Đắk Pre nói: “Dốc Âm Phủ giết nhiều người rồi đấy, nhưng từ khi có con đường tuần biên của bộ đội bạt núi thì dốc Âm Phủ “hiền” hơn”… Anh Kring Vững cho biết: “Chừng một tháng nữa, mưa trơn dữ lắm, phải bắt xích vào bánh xe mới lên được đồn”. Sau hơn 2 giờ vượt núi, cả đoàn thở phào khi thấy Đồn biên phòng Đắk Pring hiện ra, từng cái bắt tay đón khách chặt như thân chà cúp, từng nụ cười ấm như lửa reo vang một góc rừng.

Chuyện ở Đắk Pring

Đồn trưởng, trung tá Nguyễn Viết Thắng vừa đi công tác về, giày dính đầy bùn đất, cười ha hả: “Chừ đỡ nhiều rồi. Hai năm trước khó gấp mười lần thế này!”. Ngồi trong căn phòng nhỏ của A Lăng Sơn, Chính trị viên phó Đồn 661 nhìn ra, chúng tôi thấy những gác nhà dân nép mình trong dáng mây. Hỏi A Lăng Sơn, đường sá khó khăn thế, có ai đau ốm không qua khỏi vì chậm đến trạm xá không, A Lăng Sơn nói: “Chưa mô, chưa mô, mình không phải nói vì thành tích đâu! Người dân bị ngã do đường xấu thì có chứ đau ốm nặng là cán bộ đồn cử chiến sĩ khiêng võng, hoặc thồ xe máy xuống dưới Đắk Pre hoặc về trung tâm huyện chữa bệnh”.

Kring Thị Thanh, thôn 50 kể: “Mình bị lợn rừng húc gãy hai chân, cắn nhiều vết. Về nhà chữa bằng thầy cúng, bộ đội hay tin lên thăm, thấy nặng khiêng mình về dưới Đắk Pre rồi thuê xe chở về trung tâm huyện chữa bệnh. Bác sĩ nói chậm vài ngày là hai chân mình phải cưa, may mà biên phòng nhanh mà chân mình đi lại được, ân nghĩa đấy, không quên đâu!”.

Những câu chuyện như thế không hiếm. Mùa mưa năm 2008, chị Brốt Thị Chặn trở dạ, chồng đi rừng, vừa ra riêng ở xa nhà dân bản. Mưa rừng không ngớt, Chặn chỉ biết ôm bụng trên giường, không biết kêu ai. Hôm đó, một tổ công tác tuần biên vừa xuống núi, đi ngang nhà vào xin nước uống, phát hiện Chặn sắp sinh, tổ quyết định cáng Chặn vượt mưa rừng, gõ cửa phòng khám Đắk Pre giữa tối khuya. Khi tiếng khóc đầu tiên của Kring Lanh - con Chặn cất lên, bộ đội Sơn, bộ đội Trung cùng nhiều anh em đứng chờ mới yên tâm ra về.

Dân thương bộ đội lắm

Lên Đắk Pring, những câu chuyện về biên phòng giúp dân được người dân bản địa kể tự nhiên, không dứt. Cái ăn thiếu bộ đội lo, cái bệnh đau bộ đội đến thăm khám, cái nằm ướt bộ đội sửa. Dự án lúa nước hay dự án ngân hàng bò đang đưa lại hiệu quả khởi sắc mỗi ngày. Chính trị viên đồn, trung tá Nguyễn Văn Sáu nói: “Đả thông tư tưởng bà con khó lắm, nên lúc đầu chỉ làm điểm vài hộ với vài trăm mét vuông. Đến nay, lúa rẫy vẫn chiếm ưu thế, nhưng đã có đến 4,5ha lúa nước ở “cửa trời””.

Những năm trước, đường sá khó khăn, ở cuối con dốc Pring, đồn biên phòng cho lập kho gạo trung chuyển, làng nào thiếu ăn, từng tốp chiến sĩ cứu dân bằng cách gùi gạo đến bản. Rồi mùa thu hoạch năm 2009, mưa tầm tã, dân không phơi được lúa, bộ đội biên phòng liền mua máy xát, máy sấy về làm cho dân không lấy tiền. Người ở Đăk Pring hay Đăk Pre đều coi bộ đội biên phòng như con em. Dân tuy nghèo, nhưng có hạt gạo, hạt thóc thì cùng chia cho bộ đội, cái bụng đồng bào thương biên phòng như con chim thương rừng, con cá thương nước. Vì nhiệm vụ, năm 2008, chiến sĩ Lương Hồng Phương (Đại Lộc, Quảng Nam) hy sinh trong một chuyến tuần rừng giúp dân, cả trăm dân bản ở Đắk Pring, Đắk Pre lũ lượt kéo về Đồn 661 thắp hương tiễn biệt.

Dòng Đắk Pring như dải lụa vắt ngang “cửa trời”. Từ ngày có Đồn biên phòng 661, anh em trong vùng lại có câu hát để lòng: “Sông Pring khi trong khi đục, nhưng biên phòng một mực thương dân, không có gì đáp lại; người Ve, người Tà Riềng, người Cơ Tu hay người Giẻ Triêng chỉ một lòng thật bụng đi theo”. Đăk Pring giữa tháng này mây cuốn núi, từ bản làng đồng bào, những tiếng cười ngày mỗi như giòn hơn.

Lên Đắc Pring còn nghe kể về chuyện người anh hùng đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng, Kring Thị Thêm, dũng sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã từng được ra Bắc gặp Bác Hồ. Mọi người đều nhớ lời chị Thêm dặn dò: “Bà con mình cần làm theo cái tốt, đừng nghe việc xấu. Đó là truyền thống của bà con “cửa trời””. Năm 1987 Đồn biên phòng 661 được thành lập. Lúc đó, tỷ lệ hộ đói nghèo của Đắk Pring, Đắk Pre đến 100%, nay đã giảm còn 78%. Đã có 9 người tốt nghiệp đại học, trong đó 4 người tốt nghiệp đại học biên phòng.

Phong - Viên - Quang

Tin cùng chuyên mục