Đón tết trên hồ thủy điện

Từ khi thủy điện Đồng Nai 3 (nằm trên địa phận 2 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng) tích nước vào tháng 9-2010, trên hồ thủy điện xuất hiện những ngư dân từ nhiều nơi khác đến mưu sinh. Bao năm qua, có những người chưa trở lại quê lần nào và họ đón tết ngay trên hồ thủy điện.
Đón tết trên hồ thủy điện

Từ khi thủy điện Đồng Nai 3 (nằm trên địa phận 2 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng) tích nước vào tháng 9-2010, trên hồ thủy điện xuất hiện những ngư dân từ nhiều nơi khác đến mưu sinh. Bao năm qua, có những người chưa trở lại quê lần nào và họ đón tết ngay trên hồ thủy điện.

1. Chúng tôi đến bến phà hồ thủy điện Đồng Nai 3 vào một ngày giáp tết. Trước kia, đây là vùng đất sinh sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đắk Plao cũ (thuộc huyện Đắk G’long, Đắk Nông). Từ khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, có hàng trăm ngư dân nơi khác đổ về đây làm nhà bè mưu sinh. Người bản địa đã về nơi mới, để lại một “vùng đất hứa” cho những người yêu sông nước. Thủy điện vô tình đã tạo nên một luồng gió mới, “chở” niềm tin cho những người tứ xứ hành nghề đánh cá trên lòng hồ, nuôi cá bè, chạy thuyền chở khách thuê…

Anh Nguyễn Văn Phúc dắt xe xuống phà, chở khách qua huyện Di Linh, Lâm Đồng.

Anh Nguyễn Văn Phúc dắt xe xuống phà, chở khách qua huyện Di Linh, Lâm Đồng.

Anh Nguyễn Văn Phúc (quê ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đến đây lập bến đò chở khách qua lại hai tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng từ những ngày đầu thủy điện tích nước. Ngày trước, anh Phúc là ngư dân đánh cá trên hồ thủy điện Đại Ninh (ở huyện Đức Trọng). Khi nghe tin hồ thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, anh bán hết ghe thuyền, ruộng nương qua đây lập bến đò chở khách. Trừ chi phí, mỗi ngày anh kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Số tiền này đủ nuôi sống vợ chồng anh và hai đứa con, chứ chẳng khấm khá hơn cuộc sống trước đây là mấy.

Căn nhà bè của vợ chồng anh Phúc neo bên hồ thủy điện rộng chưa đầy 10m² với một phòng ngủ chật chội chứa cả 4 người. Trước phòng ngủ, vợ anh Phúc bày bán hàng tạp hóa phục vụ khách qua lại bến phà. “Bán cho vui thế thôi, chứ chẳng lời lãi được bao nhiêu. Nguồn thu chính của gia đình tôi chỉ trông vào việc chở khách qua hồ thôi”, anh Phúc tâm sự. Chính bởi thế, thu nhập chả dư dả được mấy và từ khi lên đây tới giờ anh chưa về quê đón tết. Khi tôi hỏi đến việc năm nay có định về quê ăn tết không, anh Phúc lắc đầu buồn rười rượi nói: “Mình cũng muốn về quê đón tết lắm nhưng điều kiện chưa cho phép”. “Thế gia đình anh chuẩn bị đón tết tới đâu rồi”? “Ở đây đón tết đơn giản lắm. Mua mấy cái bánh tét cho các cháu ăn đêm giao thừa, mấy lon bia và ít kẹo bánh đãi hàng xóm là đủ. Khách ngày tết chỉ có mấy ông bạn ngư dân đánh cá trên hồ ghé thăm thôi”, anh Phúc chia sẻ. Ngày tết của gia đình anh đi qua khi người dân bắt đầu qua lại trên hồ thủy điện.

2. Đêm xuống trên hồ thủy điện Đồng Nai 3, những chiếc vó được hạ xuống và thắp đèn ắc quy sáng trưng. Ngư dân dùng những chiếc vó này để đánh bắt những chú cá lòng tong đi ăn đêm khi thấy đèn phát sáng. Khi trời rạng sáng, họ kéo vó lên bắt những chú cá lòng tong đang ngủ say trong vó. Sau đó, cá được đem ra chợ Đắk Som (huyện Đắk G’long) bán cho những chủ lồng bè nuôi cá lóc. Trong căn nhà bè nhỏ neo bên mép hồ thủy điện ở phía chân núi Tà Đùng, vợ chồng anh Lê Văn Thảo (quê ở Bạc Liêu) đang ăn cơm tối. Không có điện, gia đình anh dùng đèn pin và đèn dầu thắp sáng. Hai vợ chồng anh lấy nhau được hơn 1 năm và mới có con gái đầu lòng 2 tháng tuổi. Ngày ngày, anh chèo thuyền đánh bắt cá trên hồ thủy điện Đồng Nai 3. Anh Thảo cho hay: “Trước đây, khi hồ thủy điện mới tích nước có nhiều cá chép, cá rô phi... Nhưng bây giờ, nhiều người đánh bắt quá, hồ không còn nhiều cá nữa nên thu nhập của gia đình chẳng được bao nhiêu. Trên hồ thủy điện hiện có khoảng hơn 400 nhà bè đang đánh bắt cá và nuôi cá lồng bè”. Vì thế, gia đình anh phải làm thêm rẫy trồng bắp, trồng mì dưới chân núi Tà Đùng.

Lên đây đã được một năm, anh gặp chị Trần Thị Thúy và hai người lấy nhau nhưng chưa được về quê. Đón tết ở nhà là niềm mong ước rất xa vời của vợ chồng anh vì chưa biết đến bao giờ mới có tiền về quê. “Ngày tết ở đây buồn lắm, chỉ có hai vợ chồng lủi thủi ra vào. Ban ngày chèo thuyền đi thăm một số người quen ở mấy nhà bè trên hồ, đêm về ngủ… Cho nên gia đình cũng chẳng chuẩn bị gì để đón tết cả”, anh Thảo nói. Cuộc sống gia đình anh trôi nổi theo con nước, vì thế cái tết đến và qua đi lúc nào không hay. Anh Thảo cho biết đang cố làm kiếm tiền mua mảnh đất trên bờ để lập nghiệp lâu dài ở xã Đắk Som và đón những cái tết vui vẻ như mọi người.

3. Khi bình minh bắt đầu lên trên hồ thủy điện Đồng Nai 3, những ngư dân ở đây rộn rã chèo thuyền đi kéo vó bắt cá lòng tong. Họ đánh bắt mẻ cá cuối cùng trong năm để chuẩn bị đón tết. Anh Huỳnh Văn Nam (quê ở Cần Thơ) đang tất bật cùng vợ rọi đèn chèo thuyền cất vó trên hồ. Mẻ cá cuối cùng trong năm chỉ được vài ký, không nhiều như anh mong đợi. Vừa xếp lại lưới đăng cá, anh vừa nói: “Chắc sang năm phải lên bờ sinh sống thôi chứ đánh cá ở đây bây giờ khó rồi”.

Anh Nam và chị Chế Thị Hồng Đào lấy nhau đã được 11 năm, bây giờ vợ chồng đã có hai đứa con đang gửi học trên khu tái định cư xã Đắk Plao. Vợ chồng anh cũng là những người đầu tiên lên đánh cá từ khi hồ thủy điện tích nước. Từ đó tới nay, anh chưa lần nào về quê đón tết. Nhiều lần, anh có ý định lên bờ lập nghiệp cho gia đình ổn định nhưng cái nghiệp sông nước cứ đeo đẳng không dứt ra được. Vì thế, gia đình cứ mãi đón tết trên hồ thủy điện.

Lúc mới khoảng 10 tuổi, anh Nam đã cùng em theo bố mẹ lên hồ thủy điện Trị An (Đồng Nai) đánh cá. Cũng từ đó, cuộc sống của anh lênh đênh theo con nước với những cái tết trên hồ thủy điện. Khi nghe người quen bảo hồ thủy điện Đồng Nai 3 mới tích nước, cả gia đình anh lại dắt díu nhau lên đây mưu sinh. “Tết này chưa biết ra sao nữa, vì năm nay không được bao nhiêu cá...”, anh buồn rầu nói. Bố mẹ anh bây giờ đã lên khu tái định cư Đắk Plao sinh sống, còn em trai chưa lập gia đình đang đánh cá với anh trên hồ thủy điện. “Phải cố ráng kiếm tiền lên bờ thôi, chứ cuộc sống lênh đênh mãi với sông nước hoài chưa biết bao giờ mới có mùa xuân”, anh Nam trăn trở. Nỗi niềm của anh cũng chính là nỗi niềm của những ngư dân đang mưu sinh trên hồ thủy điện Đồng Nai 3. Có người đã lên bờ, có người đã về quê, nhưng có những người vẫn phải ở đây đón tết trên hồ thủy điện. 

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục