Đồng bằng sông Cửu Long: Cần cọ xát các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long: Cần cọ xát các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu

(SGGP).- “Cần thông tin nhiều hơn về biến đổi khí hậu (BĐKH); phân vùng ảnh hưởng BĐKH ở ĐBSCL để hoạch định chính sách, kế hoạch đầu tư ứng phó phù hợp như vùng bán nhật triều (miền duyên hải biển Đông), vùng nhật triều (miền duyên hải biển Tây), vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu…; đầu tư đúng tầm các công trình ngăn mặn và phòng chống nước biển dâng, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc phối hợp ứng phó với BĐKH…”.

Đây là đề xuất của các nhà báo tại hội thảo với chủ đề “BĐKH: Hiểu biết và hành động”, do Văn phòng công tác BĐKH thành phố Cần Thơ, phối hợp với tổ chức Challenge to change (CTC) và một số nhà báo ở ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ, ngày 21-7.

Hội thảo đã tạo ra cơ hội để những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin đại chúng, các nhà khoa học gặp gỡ, chia sẻ thông tin về BĐKH và khả năng ứng phó ở khu vực ĐBSCL.

ĐBSCL được đánh giá là một trong 3 đồng bằng bị tổn thương nặng nề nhất thế giới do BĐKH. Có thể dự đoán được, trong một tương lai không xa, dân cư ĐBSCL sẽ đối đầu với những thử thách khắc nghiệt của thời tiết.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh khá sinh động tình hình BĐKH trong khu vực. “BĐKH tác động đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội của con người như gây ra bão, lũ, dịch bệnh, ngập lụt ở các đô thị… Vì vậy, rất cần xây dựng các mô hình thích ứng, kết nối các kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi để ứng phó” - ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng đại diện CTC tại Việt Nam, nhận định.

Một khu dân cư tránh lũ ở An Giang. Ảnh: Thái Bằng

Một khu dân cư tránh lũ ở An Giang. Ảnh: Thái Bằng

C.Phong

Tin cùng chuyên mục