Đồng bằng sông Cửu Long - Canh cánh... cháy rừng

Hàng chục ngàn hécta rừng ở ĐBSCL đang khô cạn, nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đáng lo ngại, sau vài cơn mưa thì nay trời nắng trở lại làm nước bốc hơi nhanh, trong khi nước mặn xâm nhập vào rừng, còn các triền núi không có nước dự trữ.
Đồng bằng sông Cửu Long - Canh cánh... cháy rừng

Hàng chục ngàn hécta rừng ở ĐBSCL đang khô cạn, nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đáng lo ngại, sau vài cơn mưa thì nay trời nắng trở lại làm nước bốc hơi nhanh, trong khi nước mặn xâm nhập vào rừng, còn các triền núi không có nước dự trữ.

  • Báo động

Chúng tôi về vùng Bảy Núi - An Giang ngay thời điểm ngành kiểm lâm dốc toàn lực bảo vệ rừng. Lúc ghé Chi cục Kiểm lâm An Giang, ông Lương Văn Liếng, Chi cục trưởng cho biết, hiện thời tiết đang vào cao điểm của mùa khô, nhiều cánh rừng đối mặt nguy cơ cháy rất cao. Khu vực Bảy Núi hiện có khoảng 9.600ha rừng. Trong đó, khu vực núi Phú Cường, núi Nhọn, cụm núi Đất, núi Cấm, núi Dài nhỏ, núi Dài lớn, núi Sam… đang ở mức báo động cháy rừng cấp 3, cấp 4.

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai phòng chống cháy rừng (PCCR) theo phương án “4 tại chỗ”. Song song đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền trên địa bàn dân cư xóm, ấp về quy ước bảo vệ rừng; treo băng rôn, biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Khmer để người dân biết và cùng góp sức giữ rừng. Giám sát chặt chẽ những trại cưa nhỏ lẻ, các quán ăn ven bìa rừng để xử lý các trường hợp vi phạm về mua bán gỗ và săn bắt động vật hoang dã, chặt phá rừng, bắt ong…

Tuy nhiên, điều khiến ngành chức năng An Giang lo lắng là khu vực rừng Bảy Núi đang vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, thu hút lượng khách thập phương về rất đông. Do đó, việc sử dụng nhang đèn, củi lửa… trong các am, cốc, chùa, đình, trên núi… rất nhạy cảm, chỉ cần sơ hở sẽ xảy ra thảm họa cho những cánh rừng.

Tại Kiên Giang cũng tương tự. Thống kê mới nhất của ngành kiểm lâm hiện có trên 24.000ha rừng báo động cháy cấp 3, cấp 4. Nếu như rừng ở U Minh Thượng, Hòn Đất, Giang Thành đang cố gắng điều tiết nước thì hơn 4.000ha rừng trên đảo Phú Quốc căng thẳng như “dây đàn”.

Đặc thù của Phú Quốc là thiếu nước rất nhanh, đặc biệt vào cao điểm nắng gắt. Vì vậy, ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương nỗ lực đào 67 giếng trữ nước, phát dọn nhiều đồng cỏ, san ủi đường băng cản lửa tạo khoảng cách giữa cỏ với rừng nhằm giảm nguy cơ cháy.

Tuần tra bảo vệ rừng mùa khô ở Cà Mau.

Tuần tra bảo vệ rừng mùa khô ở Cà Mau.

Tại Cà Mau, PCCR đang được triển khai rất khẩn trương. Dù mới đây có mưa nhưng toàn tỉnh vẫn có trên 18.700 ha rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ và Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ nằm trong tầm ngắm của “bà hỏa”.

Theo ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, mọi phương án PCCR đã sẵn sàng nhưng vẫn tổ chức vận động thường xuyên người dân vùng đệm sống ven vườn quốc gia nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ rừng. Ngoài ra, còn cho hơn 400 gia đình ký cam kết về PCCR.

  • Giữ rừng: Còn nhiều bất cập

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Cà Mau, đến giờ này dù chưa xảy ra vụ cháy rừng nào nhưng ngành chức năng luôn đề cao cảnh giác. Dự báo, từ cuối tháng 3 trở đi nhiều khu vực như Vườn quốc gia U Minh Hạ, Phân trường Trần Văn Thời, Phân trường U Minh 1, Phân trường U Minh 2, Phân trường Sông Trẹm… nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Vì vậy, nhiệm vụ phòng cháy được đặt lên hàng đầu, trong đó kêu gọi người dân cùng giữ rừng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất.

Ở rừng U Minh Hạ chẳng những kiểm lâm túc trực xuyên suốt ngày đêm, mà hàng ngàn hộ dân sống dưới tán rừng cũng không được rời nửa bước. Tất cả “đóng quân” tại chốt, tại nhà, mọi sinh hoạt, ăn uống… thực hiện tại chỗ. Người dân vừa giữ rừng cho bản thân và tham gia giữ rừng Nhà nước. Tuy nhiên, hàng ngàn người sống dưới tán rừng U Minh Hạ đa số khó khăn, thật sự là một thách thức trong việc giữ rừng.

Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm cho biết: Năm 2010, Cà Mau xảy ra 23 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 235ha rừng. Năm nay, đã tổ chức cho 6.929 hộ ký cam kết giữ rừng, dựng mới 200 bảng cấm lửa, đắp 92 đập giữ nước, dọn 469km kênh lưu thông, 412km băng trắng, tạo 204km băng xanh cản lửa, san ủi 48km đường giao thông… Dù chuẩn bị rất chu đáo nhưng vẫn phập phồng mỗi khi thời tiết gay gắt.

Tại Kiên Giang, đã triển khai hàng loạt biện pháp PCCR với tổng kinh phí lên đến 5,5 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh yêu cầu các chủ rừng, chính quyền địa phương, người dân… tăng cường canh gác, chủ động đốt cỏ xung quanh rừng, dọn đường băng cản lửa, tiếp tục đắp đập giữ nước… Tuy nhiên, mối lo lớn nhất ở Kiên Giang là tình trạng tranh chấp đất rừng ở Phú Quốc và vùng tứ giác Long Xuyên vẫn diễn ra. Cụ thể nhiều hộ lấn chiếm đất rừng, tự ý đốt đồng cỏ hoặc trồng cây khác, thậm chí phá rừng để cất nhà ở.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, rất nhiều vụ cháy rừng do dân gây ra. Dù vậy, việc giải quyết vấn đề tranh chấp đất rừng vẫn chưa ổn thỏa, đây là nỗi lo canh cánh trong việc giữ rừng.

Đồng quan điểm trên, ông Lương Văn Liếng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, thừa nhận: “Điều lo ngại hiện nay ở khu vực rừng đồi núi là đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy không ít hộ chưa mặn mà với việc bám rừng bởi thu nhập từ rừng thấp không đủ sống. Riêng khu vực rừng đồng bằng cũng tương tự, vì thế mà đại bộ phận người dân trồng rừng chưa thật sự tâm huyết để bám trụ dưới tán rừng”.

Sở NN-PTNT Long An trăn trở, thời gian qua hàng loạt diện tích rừng tràm ở vùng Đồng Tháp Mười đã bị chặt hạ do hiệu quả kinh tế quá thấp. Nay dù đã là cao điểm mùa khô nhưng người dân không mấy tha thiết giữ rừng. Nếu không có giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân sống dưới tán rừng thì tình trạng cháy rừng vào mùa khô sẽ rất khó ngăn chặn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, cảnh báo: Một vài cơn mưa trái mùa trong mấy ngày qua chỉ làm “mát rừng”. Hiện tại đang vào cao điểm mùa khô, chỉ cần nắng gắt vài ngày là rừng sẽ bị khô nhanh và nguy cơ cháy tiếp tục tăng cao. Do đó, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng, người dân… cần đề cao cảnh giác, đảm bảo trực xuyên suốt đề phòng nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục