Đồng bằng sông Cửu Long: Dịch bệnh “hạ gục” vườn cây ăn trái

Thời gian qua dịch bệnh liên tục bùng phát trên nhiều vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù ngành chức năng đã đầu tư nhiều tỷ đồng hỗ trợ người dân phòng trị bệnh nhưng không đạt kết quả. Giải pháp duy nhất hiện nay là nhiều hộ phá bỏ vườn cây bị bệnh để bán làm củi đốt.

Thời gian qua dịch bệnh liên tục bùng phát trên nhiều vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù ngành chức năng đã đầu tư nhiều tỷ đồng hỗ trợ người dân phòng trị bệnh nhưng không đạt kết quả. Giải pháp duy nhất hiện nay là nhiều hộ phá bỏ vườn cây bị bệnh để bán làm củi đốt.

        Trắng tay vì… chổi rồng

Về các xã Bình Hòa Phước, An Bình, Hòa Ninh… thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đi đâu cũng thấy người dân “đua nhau” phá bỏ hàng loạt vườn nhãn da bò bị bệnh chổi rồng gây hại. Ông Nguyễn Văn Sang, ở ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, chua chát: “Dân xứ này sống nhờ vườn nhãn, vậy mà 5 năm qua bệnh chổi rồng ập đến làm nhãn thất thu nghiêm trọng. Càng đeo theo cây nhãn, càng tốn kém chi phí chăm sóc, mua thuốc phòng trị nhưng cuối cùng vẫn mất mùa khiến người dân càng nghèo thêm. Hết sức chịu đựng nên tui thuê người phá bỏ toàn bộ vườn nhãn để chuyển sang trồng cây khác”. Cũng vì chuyện này, bà Đỗ Thị Cẩm, ngụ ấp An Thạnh, xã An Bình, đau lòng phá bỏ vườn nhãn da bò rộng 4ha gần 20 năm tuổi. Bà Cẩm cho biết, vườn nhãn này trước đây giúp gia đình có của ăn của để. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện bệnh chổi rồng thì mọi chuyện đảo ngược, bởi càng trị bệnh cứ nhiều thêm, kể cả ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương hỗ trợ thuốc, kỹ thuật… nhưng tất cả đều vô vọng (!?). Theo thống kê mới nhất của Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ, toàn huyện có khoảng 3.900ha nhãn thì những ngày qua người dân đã đốn bỏ hơn 653ha, và diện tích nhãn tiếp tục bị chặt hạ sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới. Tại các huyện Trà Ôn, Mang Thít, Vũng Liêm (Vĩnh Long) người dân cũng đồng loạt phá vườn nhãn do bó tay với dịch bệnh chổi rồng.

Ở Đồng Tháp và Bến Tre tình hình cũng tương tự. Bà Võ Thị Đào, ngụ ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre), lắc đầu: “Nếu như trước đây 4 công nhãn của gia đình mỗi năm mang về hàng chục triệu đồng, tạm đủ tiền chi tiêu trong nhà. Nhưng hơn 4 năm nay bệnh chổi rồng phá hỏng tất cả. Mỗi khi nhãn ra đọt non và ra bông thì lập tức bị bệnh tấn công làm hư lá, hư hoa nên nhãn không thể đậu trái; vì vậy năm nào cũng bị mất mùa nên đành phải phá bỏ cây nhãn”.

Cùng với cây nhãn, những hộ trồng cây có múi cũng lao đao vì dịch bệnh. Ông Huỳnh Hữu Phúc, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), bộc bạch: “Vườn quýt hồng của tui trồng được 3 năm tuổi thì nhiễm bệnh vàng lá, dù đã điều trị đủ cách, tốn kém chi phí lớn nhưng cây vẫn chết hàng loạt. Sau thiệt hại đợt đầu, tui cải tạo trồng lại đợt 2, vậy mà vườn quýt tiếp tục bị bệnh vàng lá; cuối cùng đành đốn bỏ chuyển sang trồng cây khác”. Tại Hậu Giang, hàng loạt hộ ào ạt phá nhiều vườn cam sành bị bệnh vàng đầu. Ông Lê Văn Tuấn, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, lắc đầu: “Trước đây thấy một số hộ trồng cam sành cho thu nhập 700-800 triệu đồng/ha/năm nên ai cũng mê. Thế là nhiều người chạy theo cây cam sành, không ngờ hiện nay cam sành bị dịch bệnh bùng phát trên diện rộng gây chết cây hàng loạt. Gia đình tui vừa đốn bỏ 3 công cam sành gần 2 năm tuổi, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng”.

        Loay hoay “trồng- chặt”

Nhiều hộ làm vườn ở ĐBSCL ví bệnh chổi rồng trên cây nhãn và bệnh vàng lá trên cây có múi như bệnh “ung thư”, bởi vô phương cứu chữa. Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, thời gian qua tỉnh đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng hỗ trợ người dân dập dịch chổi rồng nhưng cuối cùng 100% diện tích tái phát bệnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 876ha nhãn bị bệnh chổi rồng mức độ rất nặng, trên 3.000ha nhiễm nặng và khoảng 2.200ha bị nhiễm trung bình. Giải pháp lúc này là người dân phá bỏ diện tích nhãn da bò bị bệnh để chuyển sang trồng chôm chôm, nhãn Idor hoặc các loại cây khác. “Chúng tôi đang trình UBND tỉnh kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng đề nghị hỗ trợ giống giúp người dân bị thiệt hại có điều kiện tái sản xuất trở lại. Bởi thực tế mấy năm qua nhiều hộ đã đuối sức vì bị dịch bệnh hoành hành”- ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, nhìn nhận.

Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam… tìm hiểu dịch bệnh trên cây cam sành và nhận định bệnh do virus tấn công, nhưng biện pháp phòng trị rất khó; mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc hóa học, song kết quả không cao. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500ha cam sành bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân có thể do vài năm nay phát triển quá nóng về diện tích cam sành, từ đó dẫn tới việc người dân sử dụng nguồn giống trôi nổi, chất lượng kém, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Tỉnh đang tính việc công bố dịch bệnh trên cây cam sành để có cơ sở hỗ trợ nông dân bị thiệt hại. Nếu diện tích bị bệnh nhẹ thì nỗ lực khôi phục, còn bị nặng sẽ đốn bỏ để trồng mới lại. Tới đây, ngành chuyên môn sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cây giống chất lượng, kỹ thuật chăm sóc… nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết, quýt hồng là loại cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề là dịch bệnh vàng lá rất khó khống chế. Vì vậy, quan điểm của huyện không mở rộng diện tích mà ổn định khoảng 1.100- 1.200ha quýt hồng, sản lượng từ 30.000- 40.000 tấn/năm. Tập trung đầu tư sản xuất quýt sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành lập hợp tác xã nhằm đẩy mạnh quảng bá và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm quýt hồng.

NGUYỄN THANH - NINH HÒA

Tin cùng chuyên mục