Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL. Trong lúc hàng chục ngàn hécta rừng đối mặt với nguy cơ cháy thì hàng ngàn hộ dân sống ven biển cũng đang thiếu nước sinh hoạt, nhiều cánh đồng lúa, hoa màu cũng đang dần kiệt nước, báo hiệu cho một mùa khô khốc liệt.
Nước sinh hoạt thiếu… trầm trọng
Mới đầu mùa khô nhưng hàng ngàn hộ dân vùng biển ở ĐBSCL đã thiếu nước ngọt trầm trọng. Đi từ ấp 1 sang ấp 2 rồi đến ấp 6, ấp 7 (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đâu đâu cũng thấy người dân than chuyện thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Bà Trần Thị Che, ngụ ấp 7 cho biết: “Hơn tuần nay, cả nhà phải mua nước ngọt đến 2 lần, tốn 160.000 đồng. Nếu như ở các đô thị giá nước bình quân chỉ 3.000 - 6.000 đồng/khối thì dân xứ này phải mua nước ngọt với giá cao kỷ lục 80.000 đồng/xe bồn (2 khối), tính ra mỗi khối nước ngọt lên đến 40.000 đồng”.
Theo UBND xã Thạnh Phước, hiện 10.400 nhân khẩu trong xã đều chịu cảnh thiếu nước ngọt. Điều đáng quan ngại là giá nước không chỉ cao chót vót mà hầu hết nguồn nước được chở từ các xe bồn về cung cấp cho dân Thạnh Phước được lấy từ những cây nước thô của tư nhân, chứ không phải là nước sạch 100%. Không chỉ Thạnh Phước mà các xã Thừa Đức và Thới Thuận (huyện Bình Đại) cũng đang đối mặt với cảnh thiếu nước ngọt trên diện rộng.
Tại Kiên Giang, nhiều hộ dân ở xã An Sơn, huyện Kiên Hải vất vả vì thiếu nước ngọt. Ông Dương Văn Hiển, ấp Củ Tron cho biết, cả tháng nay nhà nào cũng đi mua nước ngọt với giá 3.000 đồng/can (30 lít), cao hơn cùng kỳ năm rồi 1.000 đồng/can. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở An Sơn sẽ còn kéo dài đến tận tháng 5-2010, khi mùa mưa đến.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng
Cùng với thiếu nước ngọt sinh hoạt thì xâm nhập mặn đang gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết: “Chúng tôi vừa khảo sát thực tế cho thấy nước mặn đã xâm nhập vào đất liền từ 30 - 35 km. Với tình hình xâm mặn hiện nay, dự báo khoảng 6.000ha lúa đông-xuân do sạ trễ thuộc dự án ngọt hóa Gò Công bị ảnh hưởng. Trong đó 2.000ha lúa thu hoạch sau ngày 15-3 có nguy cơ thiếu nước gay gắt. Đối phó vấn đề này, ngành thủy lợi đang phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân khẩn trương lấy nước ngọt ở cống Xuân Hòa càng nhiều càng tốt để có nước tưới. Đồng thời chuẩn bị phương án bơm nước 2 cấp (bơm chuyền) cứu lúa, dù phải chịu tốn kém nhiều về chi phí”.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Bến Tre, nước mặn trên sông Cửa Đại đã vào đến Vang Quới (huyện Bình Đại); sông Hàm Luông đến xã Tân Lợi Thạnh (huyện Giồng Trôm)… cách biển bình quân khoảng 30km. Dự báo, từ nay đến tháng 4, tháng 5 tình hình xâm nhập mặn sẽ phức tạp. Khả năng nước mặn tấn công vào đất liền khoảng 60 km trở lên.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), khoảng 10.000ha hoa kiểng, vườn cây trái của huyện đang triển khai nhiều biện pháp đối phó xâm mặn. Ngành nông nghiệp đã thông báo rộng rãi cho dân biết không được tưới cây lúc triều cường lên khi có độ mặn cao, đồng thời theo dõi chặt diễn biến để chủ động lấy nước ngọt đảm bảo sản xuất.
Tại Bạc Liêu, ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT, lo ngại tình trạng hạn đến sớm sẽ khiến 20.000ha lúa đông-xuân ở các huyện Hồng Dân, Hòa Bình, Phước Long, Vĩnh Lợi…
Tại Hậu Giang, nước mặn năm nay về sớm hơn cùng kỳ khoảng 1 tháng, hiện nước mặn đã đến huyện Long Mỹ và thị xã Vị Thanh. Dự báo nước mặn sẽ đe dọa khoảng 37.000ha lúa và cây ăn trái ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ và thị xã Vị Thanh. Ngành nông nghiệp đang triển khai đắp cống và đưa nước ngọt từ sông Hậu vào để bảo vệ sản xuất từ nay đến tháng 5.
HUỲNH PHƯỚC LỢI