(SGGP).- Đến nay, lũ ở ĐBSCL vẫn còn ngập sâu, hàng ngàn học sinh ở An Giang và Đồng Tháp phải nghỉ học. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn, vượt lũ đến trường, UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vừa kiểm tra việc chuẩn bị trường lớp cho học sinh học trở lại sau lũ. Hơn 3 tuần qua, mặc dù bị ngập sâu, nhưng ban giám hiệu các trường đã tổ chức bảo vệ tốt cơ sở vật chất trường lớp. Tuy nhiên, vẫn có một số phòng học ở các điểm phụ bị sụp lún, sạt lở.
Qua kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông chỉ đạo các trường nhanh chóng vệ sinh trường lớp đảm bảo cho việc học tập, phối hợp với đại diện cha mẹ học sinh và UNBD các xã thống nhất chủ trương đưa rước học sinh đến trường mỗi ngày. Đồng thời, huyện sẽ tìm nguồn hỗ trợ áo phao cho học sinh đi lại an toàn. Ngoài 1.200 học sinh lớp 9 đã đi học lại, dự kiến sẽ có khoảng 50% các điểm trường ở huyện Tam Nông cho học sinh học trở lại vào ngày 24-10.
Chiều 23-10, theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, mực nước lũ ở các huyện đầu nguồn ít biến đổi. Mực nước ở vùng Đồng Tháp Mười xuống từ 2 - 3cm/ngày. Mực nước tại các huyện phía Nam lên theo triều và đe dọa hàng chục ngàn hécta vườn cây ăn trái ở của người dân Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò… Ban chỉ huy PCLB các huyện đang phối hợp cùng người dân tăng cường gia cố đê bao, bơm rút nước bảo vệ vườn cây ăn trái.
Ông Đặng Ngọc Lợi, Thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, lo lắng: Những ngày qua đã có hơn 5.319ha vườn bị ngập lũ, trong đó 1.161ha bị thiệt hại 100%. Hiện nước lũ kết hợp cùng triều cường lên cao ở các huyện phía Nam - vùng chuyên canh vườn cây ăn trái chủ lực của tỉnh. Việc bảo vệ vườn đang rất gấp rút.
Tại An Giang, để đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo UBND huyện thị, thành phố tại các vùng bị ngập sâu, không an toàn vẫn phải tiếp tục tổ chức đưa rước học sinh đi học. Đồng thời, giao Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị, thành phố rà soát nhanh để cấp bổ sung ngay áo phao, đảm bảo 100% các em đến trường vùng ngập lũ, vùng không an toàn phải được trang bị áo phao.
Tại Vĩnh Long, nước lũ đã làm ngập trên 1.000ha vườn. Bến Tre cũng có 1.500ha vườn bị ngập… Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết đang huy động tổng lực từ xã, huyện đến tỉnh ra sức gia cố hàng loạt tuyến đê giữ trên 45.000ha vườn. 6 tuyến đê bao dọc sông Tiền vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng trên 30 tỷ đồng đang được gia cố thêm những đoạn bị nước lũ tràn vào, hàng chục xáng cạp túc trực tại các điểm nóng để ứng cứu ngay.
Ban chỉ huy PCLB huyện Chợ Lách (Bến Tre) lo lắng: Nếu mực nước vài ngày tới dâng cao thêm khoảng 2 - 3 tấc nữa là trên 9.438ha vườn của huyện thất thủ, gần 4.000ha hoa kiểng cũng lâm nguy. Các lực lượng chức năng và người dân đang dồn sức vừa gia cố, vừa bơm rút nước bảo vệ vườn. Cái khó là phần lớn bờ bao thuộc dạng cục bộ, nhỏ, được xây dựng kiểu cá thể… vì vậy, trước sức công phá của lũ lớn khả năng chống đỡ rất kém.
Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Tiền Giang, đến nay tại 4 huyện vùng lũ: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Tân Phước đã có trên 400ha khóm (dứa) ngoài đê bao thuộc các xã Tân Hòa Đông, Mỹ Phước, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ và Tân Lập (huyện Tân Phước), 856 căn nhà thuộc hai huyện Tân Phước và Cái Bè, gần 31km đường giao thông bị ngập. Song song việc tỉnh còn tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, củng cố các tuyến đê bao ngăn lũ, khắc phục nhanh những công trình giao thông bị ngập.
Cùng với hỗ trợ các địa phương trong vùng ngập lũ khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai những biện pháp ứng phó kịp thời diễn biến lũ lụt phức tạp trong những ngày tới, Tiền Giang cũng kiến nghị trung ương hỗ trợ khoảng 27 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống lũ lụt khẩn cấp, trang bị thêm 2.000 áo phao, 1.000 phao tròn cứu sinh, 50 bộ nhà bạt và 6 chiếc xuồng cao tốc phục vụ ứng phó với thiên tai.
Tối 23-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ở phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh cường độ khá mạnh di chuyển xuống miền Bắc nước ta. Dự báo khoảng sáng 25-10, không khí lạnh sẽ bắt đầu tràn về các tỉnh biên giới phía Bắc, sau đó ảnh hưởng tới các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 24 và ngày 25-10, ở Bắc bộ và khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên-Huế có mưa trên diện rộng. Từ gần sáng 25-10, miền Bắc trời chuyển rét, nhiệt độ vùng núi giảm xuống chỉ còn 15-16oC, ở đồng bằng là 18-20°. Ở vịnh Bắc bộ và vùng biển khu vực Bắc biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Khoảng ngày 26-27, ở miền Trung có mưa to.
NHÓM PV