Cuối mùa khô, nắng nóng vẫn gay gắt trên 37°C và những cánh rừng tràm ở ĐBSCL đã héo càng khô hơn. Nguy cơ rừng tiếp tục cháy luôn thường trực do người dân vào rừng “ăn ong”, hoặc tranh thủ đốt đồng “chạy mưa”, bất kể cảnh báo của lực lượng kiểm lâm.
Nguy cơ từ đốt đồng...
Theo chỉ dẫn của những cán bộ kiểm lâm đang “canh lửa” ở U Minh Hạ, chúng tôi ghé nhà ông Võ Văn Ngữ (75 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), người vừa bị “bà hỏa” thiêu rụi 4 ha rừng tràm 3 năm tuổi. Tính ra, tiền cây giống khoảng 8 triệu đồng, tiền công trồng, cải tạo đất… gộp lại, 4 ha rừng tràm của ông Ngữ cũng chỉ trên chục triệu đồng. Con số không lớn nhưng với ông là cả gia tài.
Ông Ngữ buồn rầu: “Hàng xóm người ta đốt đồng để chuẩn bị làm lúa, rồi cháy lan sang đây, nhưng có ai nhận mình đốt. Bây giờ tôi chưa biết làm thế nào. Bao nhiều tiền của, vốn liếng công sức chăm sóc 3 năm trời giờ đã thành tro”.
Thời điểm này, do gần đến mùa mưa nên những hộ dân có ruộng thường hay “đốt đồng” để chuẩn bị vụ lúa mới. Việc “đốt đồng” là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng nhiều nhất. Không chỉ gây thiệt hại những cánh rừng do dân nhận khoán trồng mà còn đe dọa cả khu rừng quốc gia.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2010 đến nay đã xảy ra 18 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 142ha rừng tràm. Trong đó có 6 vụ được xác định là do đốt đồng cuối vụ. Càng về cuối mùa khô, việc đốt đồng càng tràn lan.
Ông Nguyễn Văn Thư, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, giải thích: “Ở rừng U Minh Hạ có trên 2.600 hộ dân nhận khoán 40.000 ha đất đất trồng rừng. Ngoài 70% diện tích trồng rừng, người dân thường chừa 30% diện tích để trồng lúa. Rừng và ruộng giáp ranh nhau nên khi người dân “đốt đồng” trên đất nông nghiệp dễ lây lan qua đất rừng. Trước nguy cơ lớn từ việc đốt đồng của người dân, tỉnh Cà Mau vừa ban hành văn bản cấm người dân “đốt đồng” trong thời điểm nắng gắt. Tuy nhiên nhiều người dân lại “đốt lén”, rất khó kiểm soát.
...và mưa thất thường
“Mấy bữa trước, U Minh Hạ cũng được trời cho trận mưa giải nhiệt nhưng mưa vừa tạnh thì nắng càng dữ dội hơn, báo hại dân kiểm lâm chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp sợ cháy” - ông Lâm Mộc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, than thở. Nghe qua tưởng chừng nghịch lý nhưng đó là sự thật.
Ông Thanh lý giải: “Trong rừng, ngoài cây tràm còn nhiều loài thực vật khác bao quanh ở dưới thấp. Vào mùa mưa nước ngập hết thảm thực vật này cho đến khi nước rút sẽ có một lớp phèn, bùn bám lên đó. Nhờ lớp bám này mà hạn chế được cháy rất nhiều, giả sử có cháy thì độ lan cũng chậm. Vì vậy khi những cơn mưa thất thường đổ xuống sẽ làm trôi sạch lớp phèn trên. Khi có trời nắng, lớp thực vật, các tán lá khô trở nên dễ bốc cháy hơn khi nào hết. Ngoài ra, những cơn mưa thất thường đầu mùa kèm sấm sét rất dễ gây cháy rừng”.
Tại An Giang, các khu vực An Nông, Phú Cường, núi Cấm... thuộc huyện Tịnh Biên và núi Dài, núi Tô (huyện Tri Tôn) được đưa vào vùng nguy cơ cháy cao nhất tỉnh. Thời điểm này vào mùa lễ hội, khách thập phương đi núi Sam, núi Cấm và núi Tô rất đông để cúng bái, đốt nhang, vàng mã… rất dễ làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Tại Vườn quốc gia Tràm Chim, sau vụ cháy vừa rồi, tỉnh đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm và ra chỉ thị nghiêm cấm người dân ra vào Vườn quốc gia Tràm Chim suốt mùa khô năm 2010.
Đình Tuyển