Các tỉnh, thành ĐBSCL đang khẩn trương chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ 2013. Năm nay, thời tiết không thuận lợi khiến nhiều mặt hàng như hoa kiểng, trái cây… không được như ý muốn. Tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp và nông dân lo ngại sức mua sắm tết bị ảnh hưởng.
Sản xuất hàng “độc”
Nhiều ngày nay, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), ở ngoài vườn để chăm lo bưởi hồ lô bán tết. Năm nay, ông Thành cùng các thành viên trong CLB lên kế hoạch sản xuất 10.000 trái bưởi hồ lô có khắc chữ nổi “tài lộc”, cung ứng cho thị trường tết cả nước. Vài năm nay, bưởi hồ lô do CLB Phú Trí A sản xuất đã trở thành “hàng độc”, được đông đảo người tiêu dùng chọn mua để chưng vào dịp tết.
Đến đầu tháng 12-2012, dù còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Quý Tỵ, thế nhưng khách hàng từ TPHCM, miền Trung, miền Bắc… đã ký hợp đồng mua khoảng 5.500 trái bưởi hồ lô, với giá từ 300.000 - 700.000 đồng/trái (tùy lớn nhỏ).
Ông Thành tiết lộ chưa dám ký thêm hợp đồng, do năm nay thời tiết thất thường làm bưởi ra bông sớm, rụng nhiều, buộc phải xử lý lần 2 nhưng tỷ lệ đậu trái không cao. Ước chỉ đạt 8.000 trái bưởi, thấp hơn 2.000 trái so với kế hoạch. Bên cạnh đó, CLB Khuyến nông Phú Trí A đang nghiên cứu, tạo hình 3.500 trái dưa hấu hồ lô. Đây là sản phẩm mới mà ông Thành cùng các cộng sự tạo hình thành công vào dịp tết năm ngoái, được nhiều người đánh giá cao. Năm nay, do ảnh hưởng điều kiện canh tác không thuận, nên số lượng dưa hấu hồ lô sản xuất giảm hơn 500 trái; giá bán dự kiến từ 600.000 - 1.500.000 đồng/trái, thấp hơn năm rồi.
Chuẩn bị hàng độc bán tết, nhiều hộ sản xuất kiểng thú ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng tất bật ngày đêm. Cơ sở kiểng thú Năm Công, ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, đang thực hiện trên 15 cặp kiểng hình rắn có chiều cao từ 1,5m trở lên, để kịp giao cho khách hàng vào trước tết. Theo thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, kiểng thú là “đặc sản” của làng hoa kiểng Chợ Lách được thị trường xa gần biết đến. 12 con giáp được các nghệ nhân thực hiện xoay vòng theo “năm nào con nấy”, rất ấn tượng. Tết Quý Tỵ tới đây sẽ có nhiều cặp kiểng thú hình rắn được tung ra thị trường. Nhiều hộ khác ở Chợ Lách đang chuẩn bị từ 4,5 - 5 triệu chậu hoa kiểng các loại phục vụ tết.
Tại Đồng Tháp, ông Tạ Văn Hội, Bí thư Huyện ủy Lai Vung cho biết, dù gặp khó khăn trong khâu lấy trái và chăm sóc, nhưng nhà vườn ở Lai Vung cũng đảm bảo khoảng 30.000 - 40.000 tấn quýt hồng đặc sản cung ứng thị trường tết các nơi. Do sản lượng ít, nên hiện thời thương lái các tỉnh về đặt mua quýt hồng tết với giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; cao hơn năm rồi từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Nhiều kênh phục vụ
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, hàng hóa phục vụ tết đang được chuẩn bị khẩn trương. Hiện các cơ sở làm hàng đặc sản như cá khô Tiến Hải, chả lụa Năm Thụy, bánh tét Trà Cuôn, mứt bần Thủy Tiên, nước mắm rươi, củ cải muối Chịt Sa… đều sẵn sàng bán tết. UBND tỉnh cũng tạm ứng 31 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá. Ở Hậu Giang, Sở Công thương cùng các doanh nghiệp lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, gạo, đường… với tổng giá trị hàng hóa hơn 380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tết năm trước.
Tính toán của Sở Công thương TP Cần Thơ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chuẩn bị nhiều mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, lương thực, quần áo, hàng tiêu dùng… với tổng giá trị khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đẩy mạnh các hệ thống phân phối hàng hóa tết qua nhiều kênh như siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, các điểm bán bình ổn giá, bán hàng lưu động về nông thôn, bán ở các khu công nghiệp, khu dân cư, tổ chức phiên chợ hàng Việt nông thôn… nhằm phục vụ người dân mua sắm tết được dễ dàng.
Các ngành chức năng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà vườn… đã và đang chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào phục vụ tết. Tuy nhiên, trăn trở hiện nay vẫn là sức mua còn yếu, giá thấp do ảnh hưởng kinh tế khó khăn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo âu “vừa sản xuất - vừa canh thị trường”.
Ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở cá khô Tiến Hải ở Trà Vinh lo lắng: “Giá nguyên liệu tôm và các loại cá để làm khô đều tăng cao, buộc phải nâng giá bán tôm khô, cá khô. Tuy nhiên, nếu bán giá cao thì người tiêu dùng khó mua, còn bán giá thấp thì cơ sở lỗ. Thậm chí khi đầu tư hàng tỷ đồng để dự trữ hàng hóa tết, nếu sức mua ít cơ sở sẽ “te tua”. Vấn đề này đang rất nan giải”. Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, nếu thời gian tới giá cả cải thiện, sức tiêu thụ tăng thì hàng hóa phục vụ tết sẽ tăng mạnh; doanh nghiệp và hộ sản xuất sẽ “canh” theo nhu cầu tiêu thụ trên thị trường để cung ứng hàng hóa và ít khả năng xảy ra tình trạng khan hàng.
| |
H.Lợi - N.Thanh