Sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành nông nghiệp các địa phương vùng ven biển ĐBSCL.
- Một thời trắc trở
Tình trạng mặn xâm nhập, nước biển dâng đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn ha đất canh tác lúa - tôm ở vùng đất này. Với ĐBSCL, lúa - tôm suốt một thời gian dài trở thành chuyện thời sự nóng bỏng. Hiệu quả từ nuôi tôm cao hơn trồng lúa, khiến nhiều người quay lưng với vùng ngọt, phá vỡ quy hoạch. Sau nhiều năm nuôi tôm, nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tôm chết, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, muốn quay lại nghề trồng lúa. “Cớ sự” bắt đầu từ năm 2001, khi tỉnh Cà Mau quy hoạch chuyển 90.000ha đất lúa kém hiệu quả sang lúa - tôm. Đến năm 2002, Cà Mau có hơn 26.000ha lúa - tôm và… thất bại hoàn toàn. Những năm tiếp theo, diện tích lúa - tôm của tỉnh lúc tăng, lúc giảm nhưng đều thất bại. Nông dân không còn thiết tha với lúa và tập trung chuyên canh con tôm. Tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, tình hình cũng diễn ra tương tự. Ở Sóc Trăng, từ 2001 đến 2008, diện tích lúa giảm hơn 48.000ha, diện tích nuôi tôm tăng lên hơn 40.000ha.
Mãi đến cuối năm 2009, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Cà Mau mới xây dựng đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm, lúa từ nay đến năm 2015”. Sau hơn 1 năm thực hiện, năng suất bình quân của các mô hình tăng 910 kg/ha, gấp 2 lần so với năng suất tôm nuôi trong toàn tỉnh trước khi thực hiện đề án. Nhờ đề án, nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và liên kết giữa “4 nhà”, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Từ đó, đề án đã nhận được sự đồng tình từ các nhà khoa học, doanh nghiệp đến nông dân.
- Hướng mở phát triển
Theo các nhà nông học, yếu tố về đất đai, thời tiết, khí tượng thủy văn, diễn biến mưa và tình hình xâm nhập mặn của ĐBSCL đang thích ứng với cơ cấu sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm. Đến nay, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển khá mạnh mô hình này, với tổng diện tích trên 140.000ha, hiệu quả rất cao. Đây cũng là hệ thống canh tác mới, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian tới. PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Tiềm năng và lợi thế phát triển hệ thống canh tác tôm - lúa trong toàn vùng có thể đạt đến 200.000ha. Vì vậy việc khai thác và phát huy sản xuất tôm - lúa cần tiếp tục thực hiện với những định hướng rõ rệt hơn về quy hoạch vùng, giống lúa, chất lượng tôm và khai thác các hoạt động sản xuất khác như rau, màu và các loại thủy sản khác”. Bên cạnh đó việc bố trí, sử dụng lao động phù hợp trong suốt quá trình canh tác tôm - lúa sẽ góp phần tăng thêm sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Vấn đề hiện nay là giống cây trồng và vật nuôi. Riêng về lúa, có nhiều loại giống phù hợp những vùng đất có độ nước lợ khác nhau để khai thác tốt tiềm năng mặn - ngọt. Theo nông dân, không nhất thiết chỉ trồng lúa mà còn có thể trồng các giống cây khác. Vật nuôi cũng không chỉ có tôm, có thể là cá kèo, cá đối, cua biển, vừa nuôi trồng kết hợp với khai thác tự nhiên.
Cà Mau, Kiên Giang có những tương đồng về thời tiết, tình trạng xâm nhập mặn trong vùng sản xuất tôm - lúa như: Mùa mưa đến chậm hơn, lượng mưa ít và giữa mùa mưa có nắng hạn kéo dài khoảng 2 tuần, nên thời vụ xuống giống lúa trễ hơn các vùng khác và phải sử dụng giống lúa ngắn ngày để “né” mặn. Còn Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre... mùa mưa đến sớm hơn, nông dân có điều kiện rửa mặn và xuống giống sớm, sản xuất lúa - tôm vùng này thích hợp cho những giống lúa trúng mùa.
TRẦN MINH TRƯỜNG
|