Mặc dù mới bước vào vụ mới nhưng tại nhiều nơi ở ĐBSCL đã xảy ra tình trạng tôm chết trên diện rộng, có nơi tỷ lệ thiệt hại đến 80% - 100%.
Càng nuôi càng chết!
“Chưa bao giờ tôm đầu vụ chết nhiều như năm nay. Ai nuôi nhiều chết nhiều, nuôi ít chết ít”, ông Lê Văn Sự (Ba Sự) ở ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, chua chát nói. Ở Hòa Lý, ông Ba Sự là người có thâm niên trong nghề, đồng thời rất quan tâm đến con giống bởi giống là yếu tố quyết định. Vụ này ông khăn gói ra tận Phan Rang mua 500.000 con giống đem về nhờ Viện Nuôi trồng thủy sản 2 xét nghiệm chất lượng. Kết quả đều đạt yêu cầu và ngày 5-3, ông mới thả nuôi. Khoảng 20 ngày đầu tôm phát triển tốt, ông kỳ vọng năm nay sẽ tiếp tục trúng mùa - trúng giá. Thế nhưng sang ngày thứ 21, phát hiện một số tôm chết tắp vào bờ. Linh tính chuyện chẳng lành, ông Ba Sự triển khai ngay những biện pháp phòng trị, tuy nhiên hôm sau số tôm chết lại nhiều hơn. Và chỉ trong 4 ngày, toàn bộ 500.000 con giống chết sạch, mất trắng trên 60 triệu đồng.
Cũng kinh nghiệm đầy mình trong nghề nuôi tôm, ông Năm Lũy, ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, thả 4 ao lớn với gần 700.000 con giống. Tôm chưa đầy 1 tháng tuổi thì lăn đùng ra chết hàng loạt và chết rất nhanh, khiến ông Năm Lũy lỗ gần 100 triệu đồng. Thống kê ban đầu cho thấy, ở Hòa Lý những hộ thả tôm vào tháng 2 và đầu tháng 3 đều bị thiệt hại từ 80% - 100%.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, đến nay người dân các huyện thả nuôi được 14.000 ha tôm, trong đó đã có hơn 1.100 ha tôm chết chưa rõ nguyên nhân.
Tại Kiên Giang, diện tích tôm chết ở các huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao trên 1.000 ha. Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu… cũng có hàng ngàn hécta tôm thiệt hại khiến người nuôi điêu đứng.
Thời tiết “ngoài dự báo”?
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, phân tích: “Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, tôm chết nhiều là do thời tiết thay đổi quá đột ngột, ban ngày nắng nóng, đêm lạnh. Đặc biệt, mưa trái mùa thường xuyên và kéo dài trong nhiều giờ liền làm môi trường đảo lộn gây bất lợi cho tôm. Cụ thể, lúc đầu ngành chuyên môn dự báo trong tháng 3 thời tiết ổn định nên khuyến cáo bà con vào vụ. Cuối cùng gặp mưa đã làm đảo lộn tất cả. Không chỉ tôm nuôi chết mà nhiều trại sản xuất giống cũng bị thiệt hại do điều kiện không thuận”.
Ông Võ Văn Chồi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, lo lắng: “Mọi năm tôm chết do bệnh đốm trắng, đỏ thân… nay tôm lăn đùng ra chết nhưng chẳng rõ bệnh gì. Có người bảo tôm bị bệnh teo gan, bởi nhiều con tôm khi chết vẫn còn tươi nhưng gan nhỏ lại. Đây là loại bệnh chưa có cách phòng trị hiệu quả”.
Thêm mối lo hiện giờ là tình trạng người dân xả nước bị nhiễm bệnh ra kênh mương bên ngoài, từ đó dẫn đến lây lan mầm bệnh khắp nơi. Để ngăn chặn việc này, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã cung cấp miễn phí hóa chất để người dân diệt mầm bệnh, tuyệt đối không được thải nước bừa bãi. Khuyến cáo những diện tích có tôm chết phải vệ sinh sạch sẽ, không thả giống ngay, nên phơi đất chờ sang tháng 4 khi thời tiết thuận lợi mới nuôi lại, tránh bệnh tái diễn.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cảnh báo: Diễn biến thời tiết ngày càng khó lường và nghề nuôi tôm đối mặt với rất nhiều rủi ro. Hiện tại, sở chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn theo dõi chặt tình hình để hỗ trợ người dân kịp thời. Mục tiêu của tỉnh không mở rộng diện tích, chỉ duy trì 31.000 ha tôm trên tinh thần tăng năng suất, chất lượng và hạn chế thiệt hại càng thấp càng tốt.
|
HUỲNH PHƯỚC LỢI