Đồng bộ hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên - Bài 3: Nam Trung bộ nỗ lực hoàn thiện các công trình

Trong kế hoạch hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, các địa phương tại khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ đang nỗ lực vượt khó để sớm đưa các công trình đi vào hoạt động, ổn định đời sống người dân, phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khó đâu gỡ đó

Trở lại dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, sau hơn 7 tháng triển khai dự án, nhà thầu mới chỉ thi công được hạng mục đường và cầu giao thông; các hạng mục khác chưa thực hiện do nhiều người dân chưa đồng thuận công tác đền bù.

Theo kế hoạch vốn trong năm 2023, dự án được cấp 558 tỷ đồng, nhưng hiện mới chỉ giải ngân được 500 triệu đồng. Do vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và bố trí tái định canh cho người dân khu vực đầu mối để tạo sự đồng thuận và bàn giao mặt bằng thi công.

Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ dự án hồ chứa nước Ta Hoét (thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng). Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ dự án hồ chứa nước Ta Hoét (thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng). Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tại TP Đà Lạt, không ít hồ thủy lợi có chức năng điều tiết lũ nhiều năm qua đã bị bồi lấp, lấn chiếm nên năng lực tiêu thoát lũ giảm nghiêm trọng, phần nào gây ra cảnh ngập úng cục bộ. Chính quyền địa phương đang lên kế hoạch sớm khôi phục các hồ ở nội thành.

Qua khảo sát hiện trạng bồi lắng và xuống cấp của hệ thống kè bảo vệ hồ Mê Linh (phường 9), UBND TP Đà Lạt vừa có tờ trình gửi Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét hồ với kinh phí 40 tỷ đồng, trong đó dự kiến nạo vét khoảng 100.000m3 đất và sửa chữa khoảng 1.120m bờ kè, giúp tăng khả năng thoát nước qua cống thượng lưu của hồ, chống ngập lụt.

Còn theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án), cụm đầu mối hồ chứa nước Yên Ngựa mới thực hiện được khoảng 20% trị giá hợp đồng. Còn hệ thống kênh, hồ Buôn Biếp do vướng giải phóng mặt bằng nên phải tạm dừng.

Nguyên do chậm tiến độ là dự án bị đội vốn từ 305,5 tỷ đồng lên 432 tỷ đồng (phần lớn là kinh phí giải phóng mặt bằng). UBND tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình gửi Bộ KH-ĐT về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương tỉnh Đắk Lắk.

Ông Trần Văn Túc, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Kon Tum, thông tin, giai đoạn 2018-2022, bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng, địa phương đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 14 hồ chứa nước với mức vốn hơn 200 tỷ đồng. Riêng năm 2023, bằng nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã đầu tư hơn 65 tỷ đồng nâng cấp 4 hồ chứa nước.

Kỳ vọng loạt công trình mới

Vừa qua, HĐND tỉnh Gia Lai có nghị quyết về việc hoàn thiện hệ thống kênh mương hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (huyện Đắk Pơ), hồ chứa nước Ia Rtô (thị xã Ayun Pa), hồ chứa nước Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), hồ chứa nước Pleikeo (huyện Chư Sê)… để đưa nước xuống những cánh đồng còn lại trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, chia sẻ: Quyết định đầu tư hoàn thiện tuyến kênh dự án này sẽ giúp 400ha có nước sản xuất, để bà con dễ dàng chuyển đổi trồng loại cây có giá trị kinh tế cao. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tại, các hồ chứa nước và các công trình thủy lợi của tỉnh đều hoạt động hết 100% công năng, nhưng với diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh khoảng 360.000ha, các hồ thủy lợi ở Bình Thuận mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tưới cho 53.000ha.

Theo quy hoạch đến năm 2025, Bình Thuận sẽ xây dựng thêm 13 hồ thủy lợi. Nếu tất cả công trình này đi vào hoạt động sẽ giúp năng lực tưới tiêu đạt 120.000ha, tương đương 1/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Trong số các công trình dự kiến xây dựng, dự án hồ Ka Pét đang là mong mỏi của người dân huyện Hàm Thuận Nam nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung hàng chục năm qua.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, nhấn mạnh: “Khoảng 619ha rừng sẽ được chuyển đổi để làm hồ chứa nước Ka Pét, nhưng đổi lại là cấp nước tưới cho 7.762ha đất nông nghiệp - gấp 13 lần diện tích rừng bị mất và cung cấp nước sinh hoạt cho 120.000 hộ dân”.

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đầu tư dự án hệ thống chuyển nước Tân Mỹ - hồ Bà Râu - hồ Sông Trâu nhằm bổ sung nước tưới cho hơn 2.000ha đất nông nghiệp thuộc các xã của huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Cùng với đó, dự án hồ chứa nước Sông Than với dung tích 85 triệu m3 đang được gấp rút hoàn thành, tạo nguồn nước ổn định, cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác; cấp nước bổ sung cho các hồ Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn khu vực phía Nam của tỉnh. Địa phương cũng tiếp tục hoàn thiện bước chuẩn bị đầu tư cho các dự án hồ chứa nước: Phước Hà, Tân Giang 2, Ma Nới, Ô Căm…

Ông Lê Khắc Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng 8 (Bộ NN-PTNT), cho biết, lãnh đạo bộ có chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ea Khal với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 610 tỷ đồng, dự kiến cấp nước cho 7.200ha đất canh tác của 2 xã Cư K’bang, Ea Rốk (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) và khu vực xung quanh...

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, cũng xác nhận, Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ Đắk Gang (thuộc 2 huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút) với tổng vốn 1.000 tỷ đồng… Những dự án thủy lợi mới được phê duyệt đầu tư này sẽ giúp các địa phương khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ giải quyết vấn đề thiếu nước, giữ nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, thích ứng với những biến đổi bất thường của thời tiết.

Tin cùng chuyên mục