Đồng bộ hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ - Bài 1: Nước về trên những vùng đất khô hạn

Nhiều vùng đất đồng khô, cỏ cháy ngày nào ở Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận… hiện trở nên trù phú nhờ hệ thống thủy lợi do nhà nước đầu tư. Người dân nhờ đó đã có cơ hội ổn định sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng…
Đồng bộ hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ - Bài 1: Nước về trên những vùng đất khô hạn

LTS: Với địa hình đặc thù, khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ đã được đầu tư nhiều hồ, đập thủy lợi nhằm phục vụ quốc kế dân sinh. Bên cạnh các hồ, đập được khai thác hiệu quả, vẫn còn một số công trình chưa hiệu quả hoặc đã xuống cấp, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến năng lực cung cấp, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt vùng

Nhiều vùng đất đồng khô, cỏ cháy ngày nào ở Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận… hiện trở nên trù phú nhờ hệ thống thủy lợi do nhà nước đầu tư. Người dân nhờ đó đã có cơ hội ổn định sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng…

Những công trình hiệu quả

Tại cánh đồng ở làng Klah, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, những ruộng lúa đang độ chín vàng, trĩu hạt. Hai năm về trước, vì thiếu nước nên 8 sào lúa của gia đình ông Rơ Mah Tuýt ở cánh đồng làng Klah chỉ trồng được 1 vụ, năng suất không cao, nguy cơ thiếu ăn. Nhưng từ khi có hệ thống thủy lợi, nước vào tận ruộng, ông Rơ Mah Tuýt mạnh dạn làm lúa nước 2 vụ, kết hợp sản xuất giống lúa chất lượng cao. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông Rơ Mah Tuýt thu hoạch được 200 bao lúa, cao gấp 7 lần so với trước.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông Nguyễn Tuấn Anh, nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi mà hơn 1.000ha lúa của xã biên giới Ia Mơ không còn lo khô hạn, hầu hết nông dân trong xã đã chuyển từ trồng 1 vụ sang 2 vụ, năng suất cao hơn trước. Nhiều hộ đã thoát nghèo, yên tâm sản xuất, cùng chính quyền xây dựng vùng biên ngày càng trù phú, hạn chế tác động vào rừng…

Hồ chứa nước Ea H’leo 1 đi vào hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: MAI CƯỜNG

Hồ chứa nước Ea H’leo 1 đi vào hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: MAI CƯỜNG

Qua ghi nhận, đến nay huyện Chư Prông có 4 công trình thủy lợi lớn, đảm bảo năng lực tưới tiêu cho cây trồng, góp phần tăng giá trị sử dụng đất và cải thiện mức sống, sinh hoạt của người dân. Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) thông tin, nhờ các công trình thủy lợi trên địa bàn được đầu tư đã phục vụ tốt hơn cho ngành nông nghiệp huyện, đất đai tơi xốp hơn, năng suất cây trồng tăng gấp 2-3 lần.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, hồ chứa nước Ea H’leo 1 (huyện Ea H’leo) do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng trên 1.500 tỷ đồng, vừa được đưa vào khai thác. Công trình không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hơn 5.000/78.000ha đất nông nghiệp mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho 15.000 người dân trên địa bàn.

Tương tự, hồ thủy lợi Đắk Long 1 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có vốn đầu tư 102 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2022, đảm bảo cấp nước tưới cho 160ha cao su, cà phê, lúa, mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 700 hộ dân.

Chủ động nguồn nước tưới tiêu

Xuôi về Nam Trung bộ, Ninh Thuận là một trong những địa phương thường xuyên chịu khô hạn. Trước năm 1995, việc sản xuất nông nghiệp hầu hết ở khu vực phía Bắc của tỉnh chỉ dựa vào nguồn nước từ thủy điện Đa Nhim (dung tích 165 triệu m3) và một số hồ chứa nhỏ, nên thường xuyên thiếu nước. Từ khi hồ thủy lợi Tân Mỹ được đầu tư với dung tích gần 220 triệu m³, địa phương không còn phải lo chống hạn. Đây là công trình thủy lợi đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư công nghệ tiên tiến, điều tiết nước bằng áp lực đường ống kín (dài gần 30km, đường kính khoảng 2m) với công nghệ kiểm soát, giám sát và thu thập dữ liệu giúp việc tưới tiêu chủ động hơn và tiết kiệm nước.

Còn với tỉnh Bình Thuận, để “trị hạn”, hàng chục năm qua, tỉnh vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa tự lực cánh sinh, huy động thêm sức dân để đắp đập, xây hồ trữ nước, đào kênh, mương thủy lợi. Nhiều công trình thủy lợi đã góp phần đổi thay những vùng đất hoang hóa.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận), cho biết, trước đây, người dân huyện Hàm Thuận Bắc làm nông nghiệp chủ yếu dựa vào nước mưa, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ, đời sống bấp bênh. Kể từ năm 1996, khi công trình hồ chứa nước Sông Quao với dung tích 80 triệu m³ được đưa vào khai thác, diện tích đất nông nghiệp nơi đây mở rộng được hơn 10.000ha.

Tại huyện Hàm Thuận Nam, thời điểm trước năm 1990, người dân cũng phải chật vật tìm nguồn nước uống, sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn. Sau đó, công trình hồ Sông Móng dung tích 34,17 triệu m³ được đầu tư đã giúp vùng đất khô cằn ngày nào trở thành “thủ phủ” cây thanh long của tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 12.000ha. “Từ việc không có nước để uống, sinh hoạt, các công trình thủy lợi hình thành đã giúp bà con chúng tôi mở rộng diện tích cây trồng, nhiều gia đình trở nên giàu có”, ông Nguyễn Thành Văn (huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ.

Nhờ tập trung phát triển thủy lợi, tỉnh Bình Thuận trở thành “thủ phủ” thanh long của cả nước. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Nhờ tập trung phát triển thủy lợi, tỉnh Bình Thuận trở thành “thủ phủ” thanh long của cả nước. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ngoài những công trình thủy lợi nói trên, tỉnh Bình Thuận đã chủ động phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng thêm các hồ thủy lợi, như hồ Đá Bạc (8,94 triệu m³), hồ Lòng Sông (37 triệu m³), hồ Cà Giây (36,92 triệu m³), hồ Sông Lũy (99,9 triệu m³)… nhanh chóng giải quyết hạn hán, giúp một vùng phía Bắc tỉnh Bình Thuận trở nên trù phú hơn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 209 công trình thủy lợi, trong đó có 49 hồ chứa nước và đập dâng, trạm bơm và các kênh tiếp nước với tổng dung tích hơn 442 triệu m³. Đặc biệt, tổng chiều dài hệ thống kênh thủy lợi toàn tỉnh đã được xây dựng hơn 1.800km. Hệ thống kênh thủy lợi “nối mạng” giúp địa phương cơ bản chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt.

Lâm Đồng hiện có 440 công trình thủy lợi, bao gồm 227 hồ chứa, 90 đập dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569ha đất canh tác. Trong số 227 hồ chứa có 35 công trình lớn, 61 công trình vừa và 131 công trình nhỏ. Hệ thống công trình thủy lợi bao phủ rộng khắp những năm qua đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất, điều tiết mưa lũ, góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục