Đóng cửa 2 bô rác gây ô nhiễm tại quận Thủ Đức

Ngày 9-9, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phối hợp với UBND quận Thủ Đức kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại 7 điểm tiếp nhận và trung chuyển rác trên địa bàn quận. Hầu hết các điểm tiếp nhận này có thâm niên trên 10 năm nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nước thải, khí thải đều không được thu gom, xử lý. Cơ sở hạ tầng không được che chắn đúng quy định nên trong quá trình hoạt động thường xuyên bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận còn rất lúng túng, chưa có giải pháp nào để giải quyết dứt điểm thực trạng này.

(SGGP).- Ngày 9-9, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phối hợp với UBND quận Thủ Đức kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại 7 điểm tiếp nhận và trung chuyển rác trên địa bàn quận. Hầu hết các điểm tiếp nhận này có thâm niên trên 10 năm nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nước thải, khí thải đều không được thu gom, xử lý. Cơ sở hạ tầng không được che chắn đúng quy định nên trong quá trình hoạt động thường xuyên bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận còn rất lúng túng, chưa có giải pháp nào để giải quyết dứt điểm thực trạng này.

Sau khi đi kiểm tra thực địa, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết, trong 7 điểm tiếp nhận sở đã đề nghị sẽ đóng cửa 2 điểm tiếp nhận rác là Gò Dưa (phường Linh Đông) và Tâm Thần (phường Tam Phú) do không có khả năng cải tạo. 5 điểm tiếp nhận rác còn lại sẽ lên kế hoạch để cải tạo nâng cấp, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải.  

MINH XUÂN

  • 3 phu trầm bị bắt đòi tiền chuộc đã về nhà

(SGGP).- Ngày 9-9, UBND xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, 3 trong số 4 phu trầm bị bắt đòi tiền chuộc tại Malaysia (Báo SGGP đã đưa tin) đã trở về nhà an toàn.

Sau một tuần bị giam giữ đòi tiền chuộc, 3 trong 4 phu trầm là Nguyễn Bình Luận (53 tuổi), Nguyễn Văn Hài (36 tuổi), đều trú ở thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh và Nguyễn Văn Quỳnh (19 tuổi) ở thôn Chay, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã về đến nhà vào ngày 7-9. Riêng Nguyễn Văn Báu (19 tuổi) cũng ở thôn Cồn Nâm do không có tiền chuộc nên bị “cai trầm” giữ lại tiếp tục tìm trầm để trả nợ.

Sau ngày đầu tiên trở về nhà, ba người trên phải ra đồng đi cày và không dám mơ tưởng đến nghề trầm. Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Bình Luận đã bán con bò duy nhất để nộp tiền chuộc. Anh Luận cho biết, nhóm của anh đã tìm được những cục tinh trầm loại một có giá khoảng 2,5 tỷ đồng, nhưng bị “cai trầm” ép giá xuống còn 25 triệu khiến nợ nần chồng chất. Theo những gì anh Luận tường thuật, chuyến đi của anh bắt đầu từ 4 tháng trước, họ được dắt mối ra Hà Tĩnh cùng hợp với 100 người khác bắt xe sang Lào, qua Thái Lan, nhập cảnh Malaysia và vào rừng tìm trầm.

MINH PHONG

  • Truy nã giám đốc phá rừng 

Ngày 9-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với Hồ Hữu Hiển (47 tuổi, trú tại ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (trụ sở tại huyện Bù Đăng) về hành vi hủy hoại rừng.

Năm 2010, Công ty Vinh Hiển và Công ty TNHH Kiến Trúc Mới ký kết hợp đồng triển khai dự án khai thác quản lý và  bảo vệ rừng. Theo đó, Công ty Kiến Trúc Mới đồng ý giao cho Công ty Vinh Hiển nhận khai hoang, thiết kế trồng mới 600ha cao su đại điền tại các tiểu khu 1528, 1534, thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) thuộc Công ty Kiến Trúc Mới quản lý. Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng, với cương vị là giám đốc, Hồ Hữu Hiển đã đứng ra tổ chức, thuê người chặt phá 38ha rừng diện khoanh nuôi bảo vệ, gây thiệt hại gần 10tỷ đồng. Sau đó, Hồ Hữu Hiển đã bỏ trốn khỏi địa phương.

HUỆ SƠN

Tin cùng chuyên mục