Ngày 18-10, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tổ chức Hội nghị “phổ biến kiến thức về động đất và cách phòng tránh, ứng phó khi có động đất xảy ra” do PGS-TS Cao Đình Triều - chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu - diễn giải, hướng dẫn. Hội nghị được Đài PTTH tỉnh Quảng Nam (QRT) truyền hình trực tiếp.
Mở đầu hội nghị, PGS-TS Cao Đình Triều diễn giải về hiện tượng động đất, trong đó giải thích rõ như thế nào là động đất kích thích, động đất kiến tạo cũng như bản chất của nó. Trên thế giới có 150/45.000 hồ chứa có động đất kích thích từ độ mạnh trung bình trở lên, trong đó sự cố hồ chứa là 1%. Hồ chứa có động đất mạnh nhất là hồ chứa thủy điện Koyna (Ấn Độ) với 6,3 độ richter. Động đất kích thích xảy ra tỷ lệ thuận với độ cao của đập. Theo nghiên cứu, hồ chứa có độ cao của đập từ 90 - 120m có tỷ lệ xuất hiện động đất kích thích là 6%; 120 - 150m là 17%; 150 - 250m là 25%.
Nhận định ban đầu về động đất ở Sông Tranh (Bắc Trà My, Quảng Nam), PGS-TS Cao Đình Triều cho rằng, động đất kích thích ở Sông Tranh rất đặc biệt bởi lẽ: xảy ra ở vùng mà trước đó chưa xuất hiện động đất; là loại động đất hồ chứa phản ứng nhanh; có biểu hiện hoạt động dồn dập, theo từng đợt. Các biểu hiện động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 rất giống với động đất ở đập Koyna (Ấn Độ) nhưng điểm đặc biệt của nó là động đất dồn dập, theo từng đợt. Đây là hiện tượng mà các hồ chứa trên thế giới chưa từng xảy ra.
Điều đặc biệt nữa là động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên nền móng granit. “So sánh với động đất ở Koyna, khi xảy ra động đất làm nước tràn qua đập, tàn phá thị trấn Koyna và làm chết 200 người. May mà đập của họ xây tốt nên không bị vỡ. Đến nay, Chính phủ Ấn Độ phải bỏ ra 70 triệu USD để nghiên cứu động đất kích thích ở Koyna trong 5 năm (2011 - 2015)”.
PGS-TS Cao Đình Triều đưa ra một số khuyến cáo, cần bảo vệ khu vực lòng hồ, tránh những hoạt động tai biến địa chất khác như sạt lở, lũ ống… để bảo vệ khu vực lòng hồ Sông Tranh 2. Khi vận hành hồ chứa đừng để mực nước hồ chứa thay đổi quá nhanh vì việc thay đổi nhanh mực nước gây nên biến động của ứng suất gia tăng làm thay đổi nhanh trạng thái suất lỗ rỗng và có thể gây nên động đất; cần xây dựng công trình, nhà cửa phải đủ độ bền vững, có độ kháng chấn chịu được động đất… PGS-TS Cao Đình Triều đưa ra 10 cách ứng phó với động đất mà các nước trên thế giới áp dụng để hướng dẫn cho cán bộ, nhân dân Quảng Nam.
PGS-TS Cao Đình Triều cũng cho rằng, động đất kích thích xảy ra bao giờ cũng nhỏ hơn động đất kiến tạo, đồng thời nó cũng xảy ra ở tầng nông hơn nên người dân đã nghe tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất. Ngày 19-10, UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức hội nghị tương tự tại huyện Bắc Trà My, nơi thời gian qua liên tục xảy ra động đất, để phổ biến kiến thức về động đất cũng như hướng dẫn các ứng phó khi có động đất xảy ra.
| |
Nguyên Khôi