Đồng hành chăm lo đời sống công nhân, người lao động - Bài 2: Trông chờ tăng lương

Thấu cảm với tình cảnh của phần lớn công nhân, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, đồng hành như: tạo điều kiện về quê tránh dịch Covid-19; tổ chức đưa đón, tặng quà mỗi dịp lễ, tết; hỗ trợ tiền trọ, nhu yếu phẩm… Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình vật giá leo thang khiến chi phí sinh hoạt của công nhân cũng liên tục tăng. Do vậy, công nhân đang rất trông chờ được Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 để cuộc sống bớt khó khăn. 
Gia đình chị Lê Thị Mơ sống trong căn phòng trọ ở gần KCN Long Bình, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Gia đình chị Lê Thị Mơ sống trong căn phòng trọ ở gần KCN Long Bình, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Chia sẻ khó khăn

Sau hơn 25 năm kể từ thời điểm chia tách từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đang được xem là “thủ phủ” khu công nghiệp của cả nước với hàng chục khu, cụm công nghiệp tập trung ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tuy thế, đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn khá nghèo nàn.

Hiểu rõ những khó khăn của công nhân, các chương trình như: Xuân yêu thương, Chuyến xe nghĩa tình, Tặng vé máy bay cho công nhân về tết, Quỹ hỗ trợ công nhân khó khăn, Phiên chợ 0 đồng… đã trở thành những hoạt động thường xuyên. Và để chăm lo tốt hơn cho công nhân, tiếp tục thu hút nguồn lao động có chuyên môn phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, ngày 11-1-2022, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 57-CTr/TU về tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn. Ngày 20-4-2022, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 15-KH/ĐĐ để thực hiện chương trình nói trên của Tỉnh ủy và xác định rõ: phấn đấu từ nay đến năm 2025, tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm mỗi năm cho khoảng 35.000-40.000 lao động và đến năm 2025 tỷ lệ công nhân lao động qua đào tạo đạt 85%; xây dựng mới từ 1-2 trung tâm văn hóa lao động tại các khu công nghiệp, địa bàn có đông công nhân lao động gắn với các thiết chế công đoàn. 

Đồng hành chăm lo đời sống công nhân, người lao động - Bài 2: Trông chờ tăng lương ảnh 1 Chị Hồ Thị Quỳnh cùng 2 con nhỏ tại phòng trọ ở TP Thuận An

Ngoài ra, để đồng hành, chia sẻ khó khăn với công nhân, hiện Bình Dương có 550 doanh nghiệp sử dụng không gian, cơ sở vật chất kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; 12 doanh nghiệp có siêu thị bán lẻ hoặc cửa hàng công đoàn với diện tích từ 20-60m2, có hàng chục doanh nghiệp xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê với giá ưu đãi… 

Đặc biệt, trong đợt bàn thảo về tăng lương tối thiểu vùng (hiện Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1-7-2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định), lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề xuất phải sớm áp dụng, thay vì phải dời sang năm 2023, vì với mức lương tối thiểu hiện tại, công  nhân đang rất chật vật, nhất là sau đợt dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua.

Đảm bảo mức sinh hoạt cho người lao động

Hai vợ chồng chị Lê Thị Thúy, làm công  nhân ở Công ty TNHH Terma Việt Nam (TP Biên Hòa) có thu nhập mỗi tháng cộng lại được hơn 10 triệu đồng, trong khi tiền xăng xe, thuê trọ, sinh hoạt liên tục tăng cao nên họ đang rất trông chờ được tăng lương tối thiểu vùng. Và hàng ngàn công nhân, người lao động đều đang trông chờ như chị Thúy.

Ông Đinh Văn Khoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Terumo BTC Việt Nam (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cho rằng, trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh khiến đời sống công nhân gặp khó khăn, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào thời điểm này là cần thiết.

“Nhiều công nhân đang rất trông chờ để có thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt; đồng thời cũng khuyến khích lao động đã về quê tránh dịch sớm quay trở lại để bổ sung cho nguồn lao động đang rất cần, nhằm phục vụ việc phát triển sản xuất sau dịch”, ông Đinh Văn Khoa chia sẻ.

Đồng hành chăm lo đời sống công nhân, người lao động - Bài 2: Trông chờ tăng lương ảnh 2 Chị Huỳnh Thị Cẩm Truân, công nhân may trong KCN Đồng An phải nghỉ ở nhà hơn 1 tuần để chăm con bệnh

Trên cơ sở khảo sát tại các tỉnh, thành có đông khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Hội đồng Tiền lương quốc gia tăng 7%-8% mức lương tối thiểu (tương ứng 215.000-354.000 đồng) để bù đắp phần nào trượt giá sau gần 2 năm chưa điều chỉnh lương tối thiểu, nhưng Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng 6%. 

Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, qua khảo sát, các tổ chức công đoàn trong tỉnh mong muốn mức tăng lương cao hơn 6%, nhưng để hài hòa lợi ích giữa người lao động với chủ doanh nghiệp thì mức tăng 6% cũng là sự chia sẻ của công nhân với các chủ doanh nghiệp trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Theo nhiều cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp, tiền làm thêm của công nhân hàng tháng chiếm 30%-40% tổng thu nhập và trước mắt thu nhập của công nhân tạm ổn khi còn sức khỏe. Nhưng theo quy định hiện hành, tiền lương tăng ca không được tính làm cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội nên khi về hưu, lương hưu sẽ rất thấp, do đó mức tăng lương tối thiểu vùng chính là bảo vệ quyền lợi lâu dài cho công nhân khi nghỉ hưu.

Tin cùng chuyên mục