Đồng hành thai phụ trong mùa dịch

Phụ nữ mang thai là đối tượng có hệ miễn dịch nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. 

Theo các chuyên gia y tế, chưa có bằng chứng Covid-19 có thể lây từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, cũng như có ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ, an toàn cho cả mẹ và con trong mùa dịch, bên cạnh sự đồng hành của các bệnh viện, thai phụ và gia đình cũng cần chủ động trang bị đầy đủ kiến thức và tâm lý để bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi.

Thai phụ khai báo y tế khi vào BV Từ Dũ. Ảnh: CAO THĂNG

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Đang mang thai ở tháng thứ 6, chị Hoàng Thị Mỹ Bình (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, từ đầu tháng 5 dịch Covid-19 bùng lên, chị cảm thấy mệt còn hơn 3 tháng đầu bị nghén. “Coi báo thấy vài chị bị dính Covid-19 được mổ thành công, tôi vừa mừng vừa sợ. Sợ lỡ mình cũng vậy thì không biết như thế nào, sinh xong mẹ con có bị di chứng gì không. Nhà tôi ở chợ, làm buôn bán, nay khu nhà đang là tâm điểm dịch nguy hiểm, bị phong tỏa. Không biết đến ngày sinh mà dịch bệnh chỗ tôi còn phức tạp thì tôi phải sinh ở quận Gò Vấp luôn hay được ra ngoài quận? Sinh xong lại lo cho em bé nữa…”, chị Mỹ Bình rầu rĩ nói. 

Khác với chị Mỹ Bình, chị Mai Thị Hồng (35 tuổi, ngụ quận 8) cho biết, chị đang mang thai tháng thứ 5 đứa con đầu. Do không có kinh nghiệm chăm sóc mẹ và bé nên chị thường xuyên đến bệnh viện (BV) và phòng khám nhờ bác sĩ tư vấn. “Trước khi đến cơ sở y tế, tôi đều chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ”, chị Hồng cho hay.

Theo bác sĩ Đặng Ngọc Yến Dung, Trưởng khoa Khám bệnh B, BV Hùng Vương, mùa dịch này, thai phụ không nên vì quá lo lắng mà đi khám thai nhiều hơn bình thường. Việc tập trung đông người tại các BV hoàn toàn không an toàn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Với việc phát triển của công nghệ, thai phụ có thể được BV hẹn thăm khám với khoảng cách thời gian xa hơn mà vẫn đảm bảo được thực hiện các xét nghiệm tầm soát đầy đủ. “Thai phụ có thắc mắc hay lo lắng về thai kỳ thì liên hệ với BV qua điện thoại hoặc trang web, tránh tới lui BV nhiều lần. Nếu thai phụ tới lịch khám thai mà đang ở trong khu cách ly, phong tỏa, có thể báo cho cán bộ y tế phụ trách khu cách ly, phong tỏa để được sắp xếp đưa đến BV có khu vực khám riêng”, bác sĩ Yến Dung thông tin.

Quy tắc phòng bệnh nghiêm ngặt

Theo các chuyên gia y tế, trong quá trình sinh em bé, gia đình và thai phụ có thể hoàn toàn yên tâm vì các quy tắc phòng bệnh được các BV thực hiện rất nghiêm ngặt. Tất cả thai phụ đến sinh và người nhà đi theo đều được xét nghiệm Covid-19 trước khi vào phòng sinh. Mỗi thai phụ chỉ được 1 người thân theo nuôi bệnh, và quy tắc 5K được thực hiện trong suốt thời gian ở trong BV, kể cả trong phòng sinh. Việc theo dõi sinh cho sản phụ mắc Covid-19 được ưu tiên chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt nhân lực, trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cả mẹ lẫn bé, và phòng chống dịch bệnh lây lan.

Bác sĩ Đặng Ngọc Yến Dung cho biết, trường hợp sản phụ mắc Covid-19, tùy vào tình trạng sức khỏe của sản phụ, biến chứng hiện tại và tuổi thai, BV sẽ có những giải pháp can thiệp kịp thời. Với sản phụ không có biến chứng nặng hoặc mắc Covid không triệu chứng, BV sẽ tư vấn những hướng giải quyết khác nhau tùy theo tuổi thai. Nếu thai từ 39 tuần tuổi trở lên, BV khuyến khích sản phụ chấm dứt thai kỳ để giảm nguy cơ trở nặng cho mẹ hơn là chờ chuyển dạ tự nhiên. Nếu thai nhỏ hơn 39 tuần tuổi nhưng có bệnh lý đi kèm (như vỡ ối non, tiền sản giật…) thì người mẹ cũng nên chấm dứt thai kỳ theo chỉ định sản khoa. Còn lại, sản phụ được theo dõi để chuẩn bị sinh như bình thường. 

Đối với người mẹ mắc Covid-19 có biến chứng nặng nhưng không thở máy, các chuyên gia khuyến cáo người mẹ nên chấm dứt thai kỳ khi thai lớn hơn 32 tuần tuổi, vì nếu chẳng may sau đó tình trạng mẹ trở nặng sẽ làm thai bị ngạt do thiếu ôxy. Còn nếu thai phụ có biến chứng phổi nặng và phải thở máy, việc quyết định thời điểm sinh là một thử thách với BV. Khi đó, chấm dứt thai kỳ ở thời điểm thai 32 - 34 tuần có thể tránh tình trạng thai nhi bị ngạt khi mẹ trở nặng, nhưng chấm dứt thai kỳ cũng làm nặng thêm tình trạng của mẹ. Nếu thai nhỏ hơn 32 - 34 tuần, quyết định kéo dài thai kỳ tùy thuộc vào sức khỏe người mẹ. BV tránh việc lấy thai ra sớm, làm tăng bệnh suất và tử suất do trẻ sinh non tháng. “Trẻ sinh ra từ người mẹ mắc Covid-19 thì bị nghi ngờ mắc bệnh này. Trẻ sẽ được BV làm xét nghiệm và chăm sóc riêng. Nhưng thông thường, bé sẽ không bị cách ly khỏi mẹ trong trường hợp này vì nguy cơ trẻ bị nhiễm từ mẹ rất thấp”, bác sĩ Yến Dung nói.

* Ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế): Thai phụ cách ly sẽ được chăm sóc đặc biệt

Thai phụ nên tự theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời báo cho nhân viên y tế tại khu cách ly. Thai phụ mang thai 3 tháng cuối cũng cần theo dõi cử động thai. Nếu thai đạp nhiều hơn mọi ngày, có thể do thai phụ mệt mỏi, thiếu ôxy. Nhiều khi thai “ngủ quên” không đạp, cần báo với nhân viên y tế để kiểm tra theo dõi liền nếu trong 6 giờ không thấy thai cử động. 

Trong điều kiện cách ly, nhất là phải cách ly xa gia đình, thai phụ rất dễ tổn thương về mặt tâm lý, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ lẫn thai nhi. Chăm sóc tinh thần lúc này rất quan trọng. Bên cạnh các nhân viên y tế và đội ngũ cán bộ nhân viên tại cơ sở cách ly, bản thân gia đình phải quan tâm, giữ mối liên hệ với thai phụ, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ, phát hiện các dấu hiệu bất thường về tâm lý và thông báo cho các cơ sở y tế để có những xử trí hoặc trị liệu phù hợp.

Tin cùng chuyên mục