Doanh thu bán lẻ cả nước tăng 2,3%
Trong tháng 11, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn, một số mặt hàng như lương thực, đường, vật liệu xây dựng tăng nhẹ do nhu cầu tăng; một số mặt hàng như thực phẩm (thịt heo), phân bón giá giảm nhẹ do nguồn cung tăng; các mặt hàng nhóm năng lượng giá có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá thế giới trước tác động của các yếu tố chính trị, xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 464,4 ngàn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 365,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,2%, chủ yếu do các cơ sở kinh doanh trong tháng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi đã thu hút người tiêu dùng tới mua sắm. Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).
Riêng tại TPHCM, theo số liệu thống kê trong tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự ước đạt 116.271 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 4,1% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 73.912 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 3,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước do chuẩn bị vào dịp mua sắm cuối năm. Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 11 ước đạt 8.263 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và giảm 21,8% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành lưu trú từng bước khôi phục với thị trường khách nội địa do nhu cầu của người dân các tỉnh, thành khác đến TPHCM khám chữa bệnh vẫn được duy trì, các đơn vị kinh doanh du lịch, lưu trú đa dạng hóa các gói sản phẩm tour du lịch trong thành phố.
Nỗ lực kích cầu tiêu dùng
Theo nhận định của Bộ Công thương, tại thời điểm này, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động, để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại được triển khai trên cả nước nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Điển hình như chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành công thương. Bộ cũng phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; tổ chức chuỗi hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2020, thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 100 đơn vị phân phối trong và ngoài nước; phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam với quy mô cấp vùng, miền…
Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, các đơn vị kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử tại TPHCM cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm nhân dịp Black Friday… Đặc biệt, để kích cầu thị trường nội địa, từ nay đến hết ngày 22-12, Sở Công thương TPHCM triển khai Chương trình khuyến mại tập trung - Tháng khuyến mãi năm 2020 với chủ đề “Khuyến mãi mùa vàng”, làm điểm nhấn cho hoạt động kích cầu thương mại trong những tháng cuối năm 2020. Theo đó, hầu hết trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng chuyên doanh trên địa bàn đều đăng ký tham gia, hưởng ứng chương trình với mức giảm giá lên tới 80% tùy mặt hàng, sản phẩm. Dự kiến, chi phí các DN đầu tư chương trình giảm giá, khuyến mãi trong đợt này lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngay sau chương trình “Khuyến mãi mùa vàng”, các DN tiếp tục bắt tay với nhà bán lẻ triển khai đợt cao điểm khuyến mãi mua sắm tết, trong đó nhiều mặt hàng thiết yếu có mức giảm tới 49%.
Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết, Sở Công thương TPHCM cho biết, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý năm 2020, trong đó giá trị hàng hóa từ nguồn hàng bình ổn là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường 4.172,4 tỷ đồng.
Hiện việc chuẩn bị hàng tết đang diễn khá thuận lợi, đảm bảo kế hoạch và đúng tiến độ. Giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết tiếp tục ổn định.