Động lực tái cơ cấu

Tại hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 của Bộ Thông tin - Truyền thông, một lần nữa vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã được đề cập đến. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT không phải là chuyện riêng của tập đoàn cũng như của Bộ TT-TT mà phải đảm bảo phục vụ lợi ích cả thị trường, giúp thị trường phát triển mạnh hơn.

Thực ra, vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn VNPT không phải là chuyện mới, đã được bàn cả 2 năm qua. Trong đó vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất là việc một trong 2 mạng di động của VNPT là VinaPhone và MobiFone sẽ về đâu? Bởi theo Luật Viễn thông, VNPT sẽ không được phép “sở hữu” cả 2 như hiện nay nữa. Hiện nay, MobiFone thì dù là hạch toán độc lập nhưng vẫn thuộc về VNPT, còn VinaPhone thì đang hạch toán phụ thuộc hoàn toàn. Trước đây, VNPT đã trình đề án theo mô hình sáp nhập hai mạng VinaPhone và MobiFone.

Tuy nhiên, phương án này đã bị rất nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng phản đối vì nó sẽ mất tính cạnh tranh cũng như phá vỡ quy hoạch thị trường viễn thông. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã khẳng định, dù VNPT tái cơ cấu thì 2 thương hiệu VinaPhone và MobiFone vẫn được giữ nguyên. Theo đề án đã trình Chính phủ, khi tái cơ cấu phải đảm bảo mảng viễn thông của VNPT tách ra sẽ hình thành 1 doanh nghiệp viễn thông mạnh quốc gia và bộ phận còn lại cũng vẫn là một tập đoàn mạnh. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sẽ bảo đảm hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có từ 3 - 4 mạng viễn thông tầm cỡ quốc gia đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Việc tái cơ cấu VNPT cũng phải góp phần giữ vững thương hiệu, vai trò của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Hiện nay, 3 thương hiệu quốc gia về lĩnh vực di động đã được khẳng định là VinaPhone, MobiFone và Viettel.

Thông tin từ Bộ TT-TT cũng như VNPT cho biết, mặc dù đề án tái cơ cấu chưa được thông qua, nhưng vấn đề MobiFone và một số đơn vị khác như Trung tâm quản lý VINASAT-1 và VINASAT-2 sẽ tách ra khỏi VNPT là chuyện đã được khẳng định. Tuy nhiên, khác với thông tin MobiFone sẽ về trực thuộc Bộ TT-TT như ban đầu, gần đây một số dư luận đang đề cập đến vấn đề này dưới một góc nhìn khác. Đó là MobiFone có thể sáp nhập với GMobile (Gtel, thuộc Bộ Công an) và sẽ về Bộ Công an. Tuy nhiên, một số chuyên gia viễn thông lại cho rằng, đây là phương án không nên làm, bởi bản thân GMobile hiện nay đang khó khăn. Sau thất bại trong việc hợp tác với Beeline (Nga), hiện nay GMobile chưa đủ sức để làm được điều gì, trong khi MobiFone đang là mạng di động nhất nhì ở Việt Nam trên mọi phương diện. Và nếu chuyện đó xảy ra thì đây là một bước lùi của thị trường viễn thông di động Việt Nam. Nên chăng, để MobiFone tách ra khỏi VNPT, đứng độc lập hoặc thuộc Bộ TT-TT, sau đó chính MobiFone sẽ mua lại và sáp nhập GMobile vào mình. Coi như đó là một bước đi mới trong vấn đề tái cơ cấu thị trường viễn thông di động Việt Nam.

Hiện nay Chính phủ và Bộ TT-TT đang quyết tâm đẩy nhanh việc tái cơ cấu VNPT. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tái cơ cấu VNPT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành CNTT-TT tại thời điểm này, bởi VNPT là một tập đoàn lớn, thuộc loại trụ cột của nền kinh tế. Việc tái cơ cấu, do đó, phải giúp bản thân VNPT có động lực để mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Bộ TT-TT cho biết, thời gian qua, VNPT đã tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và thuyết minh đề án tái cơ cấu; đồng thời tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại một số ban chức năng thuộc cơ quan tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh.

Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, năm 2013, tổng doanh thu của VNPT đạt 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 9.300 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2012. Doanh thu từ di động vẫn tăng trưởng bất chấp kinh tế khó khăn, cụ thể VinaPhone tăng trưởng 8% còn MobiFone tăng nhẹ. Lý giải cho việc lợi nhuận tăng đột biến, ông Hùng cho biết 1.500 tỷ đồng có được nhờ điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với cơ chế hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong VNPT, 1.000 tỷ đồng đến từ tiết kiệm, cắt giảm chi phí và 1.500 tỷ đồng nhờ phát triển các dịch vụ di động, băng rộng.

Ông Hùng cũng khẳng định, trong năm 2014, VNPT sẽ bám sát các xu hướng thị trường và công nghệ mới, thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt, cố gắng quay vòng vốn nhanh, tiết kiệm chi phí để đảm bảo doanh thu tăng khoảng 10%, lợi nhuận tăng từ 7% - 14% so với năm 2013. Chưa tái cơ cấu, chỉ mới thay tổng giám đốc 5 tháng và đổi mới một số hoạt động mà VNPT đã có những kết quả kinh doanh khả quan như vậy. Điều đó khẳng định rằng, nếu không muốn bị Viettel tiếp tục “qua mặt” về mọi mặt, VNPT cần phải sớm thực hiện cuộc “đại phẫu” và tái cơ cấu của mình.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục