Đồng Nai: Gần 100 người dân đòi lấp cống xả thải của Sonadezi Long Thành
Khoảng 8h sáng nay, 27-4, gần 100 người dân của xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã tập trung trước khu vực nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Long Thành - thuộc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (gọi tắt là Sonadezi Long Thành) đòi lấp miệng cống xả thải của nhà máy này.
(SGGPO). – Khoảng 8h sáng nay, 27-4, gần 100 người dân của xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã tập trung trước khu vực nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Long Thành - thuộc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (gọi tắt là Sonadezi Long Thành) đòi lấp miệng cống xả thải của nhà máy này.
Tại hiện trường, nhiều bao tải đựng xà bần, gạch đá cùng với cuốc, xẻng được người dân vận chuyển tập trung đến gần khu vực miệng cống xả thải của Sonadezi Long Thành từ chiều tối ngày 26-4 để sáng hôm sau tiến hành lấp cống. Tuy nhiên, đến 9h sáng cùng ngày, trong khi người dân chuẩn bị xúc đất đá từ các bao xà bần đổ lấp miệng cống thì lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời.
Sau khi được lực lượng chức năng giải thích động viên, khuyên người dân bình tĩnh chờ các đơn vị liên quan giải quyết, người dân đã chấp nhận chưa lấp miệng cống. Các bao tải xà bần, gạch đá tại hiện trường được người dân sắp xếp để gọn lại tại khu vực miệng cống, rồi tất cả giải tán về nhà. Nhiều người dân cho biết, sở dĩ họ bức xúc đòi lấp cống xả thải của Sonadezi Long Thành vì từ khi công ty này bị phát hiện và xử phạt về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, cho đến nay người dân vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hợp tác có thiện chí nào từ phía công ty về bồi thường hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân. Do đó, người dân không thể chờ đợi được nữa, nên đã phản kháng bằng hành động đòi lấp cống để yêu cầu Sonadezi Long Thành phải sớm khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho người dân.
Theo UBND xã Tam An, những hộ dân bức xúc đòi lấp cống của Sonadezi Long Thành chủ yếu ở địa bàn ấp 2, xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trước khi đòi lấp cống của Sonadezi Long Thành, người dân cũng đã chủ động báo lên chính quyền địa phương. Ngày 3-5 tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ có buổi tiếp xúc cử tri xã Tam An để lắng nghe ý kiến của người dân bị ảnh hưởng từ nước thải của Sonadezi Long Thành.
Cũng theo UBND xã Tam An, tính đến nay đã có hơn 250 đơn kiện của người dân yêu cầu Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 16 tỷ đồng. Hiện toàn bộ đơn kiện của người dân được lưu giữ tại UBND xã.
Tháng 8-2011, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Long Thành (thuộc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành) bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B - Bộ Công an) bắt quả tang xả nước thải chưa được xử lý ra rạch Bà Chèo (thông với sông Đồng Nai). Tháng 10-2011, C49B kết luận Sonadezi Long Thành vi phạm về môi trường, gồm: xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường đã phê duyệt; vận hành không đúng, không thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến nước thải sau xử lý chưa đạt chuẩn. Với các sai phạm trên, Sonadezi Long Thành bị C49 xử phạt hành chính 405 triệu đồng về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu Sonadezi Long Thành phải khắc phục hậu quả.
Tháng 3-2012, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) có kết quả xác định phạm vi, mức độ ảnh hưởng môi trường trên lưu vực rạch Bà Chèo (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do nhà máy xử lý nước thải của công ty cổ phần Sonadezi Long Thành gây ra.
Theo đó, nguồn gây ô nhiễm chính đối với rạch Bà Chèo là do nước thải từ nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành. Cụ thể, phạm vi bị ảnh hưởng là 113,6ha trên tổng số 682,8ha diện tích tự nhiên của lưu vực rạch Bà Chèo. Trong đó, thiệt hại về sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên 100% (tính từ các năm 2008, 2009, 2010 và 8 tháng đầu năm 2011). Đối với cây trồng trên cạn (trên 5 năm tuổi) thuộc nhóm cây ăn trái (tính đến đầu năm 2008) cũng bị thiệt hại 100% do ngập úng, nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước. Thiệt hại về chăn nuôi gia cầm (được tính từ năm 2008 trở về trước) đối với tổng đàn vịt là 62,9% và đối với tổng đàn gà là 76% do nhiều nguyên nhân gây ra như dịch bệnh, nguồn giống, kỹ thuật nuôi, ảnh hưởng của nguồn nước bẩn xả thải… Từ các kết quả trên, Viện Môi trường và Tài nguyên kiến nghị tỉnh Đồng Nai tiến hành thẩm định thiệt hại để đền bù thỏa đáng cho người dân.