Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã khiến thế giới phải suy nghĩ lại về vị trí chủ đạo của đồng USD, ủng hộ đa nguyên hóa hệ thống tiền tệ thế giới. Chính vì vậy, trong chuyến thăm Nga hồi tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cùng phía Nga xác nhận việc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) để thanh toán trong mậu dịch song phương, đồng thời quyết định thúc đẩy giao dịch ngoại tệ bằng đồng tiền của hai nước trong thị trường ngoại hối giữa các ngân hàng của mình.
Tờ Đông Phương buổi sáng đã đăng tải bài viết của Phó Giáo sư Tống Quốc Hữu, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), đánh giá thỏa thuận này không chỉ là bước đi quan trọng trong việc quốc tế hóa đồng NDT, mà còn là một sự khởi đầu mới để đồng tiền này Tây tiến.
Quốc tế hóa đồng NDT đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược tiền tệ đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện chiến lược này trong thời gian qua cho thấy việc quốc tế hóa đồng NDT chủ yếu tập trung ở phía Đông, còn ở phía Tây vẫn khá hạn chế. Thỏa thuận nói trên giữa Trung Quốc và Nga đã tạo điều kiện khắc phục hạn chế này.
Việc đồng tiền này Tây tiến có hai ưu thế. Thứ nhất, ở phía Tây, đồng NDT ít chịu sự kìm hãm của đồng USD hơn. Tại Đông Á, đồng USD là đồng tiền dự trữ thực tế của khu vực, chế độ ngoại hối và thanh toán quốc tế của các nước đều ấn định bằng đồng USD, nên mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu hay thay thế đồng USD tại khu vực này đều sẽ vấp phải những trở ngại mang tính tập quán. Trong khi đó, tại phía Tây, sức ảnh hưởng khu vực của đồng USD suy giảm nhiều.
Thứ hai, đồng NDT Tây tiến có lợi trong việc hình thành sự kết hợp quan hệ chính trị với quan hệ kinh tế của Trung Quốc và Nga. Quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á có hiện tượng phân tách chính trị và kinh tế khá rõ ràng. Một số nước trong khu vực có quan hệ kinh tế thương mại mật thiết với Trung Quốc, song chính sách của các nước này đối với Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị và an ninh lại không mấy tốt đẹp, sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc không thể chuyển hóa hữu hiệu thành sức ảnh hưởng chính trị. Nói cách khác, việc quốc tế hóa đồng NDT khá phát triển ở phía Đông, song Trung Quốc vẫn không thể phát huy hiệu quả chính trị ở khu vực này.
Tuy nhiên, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí The Economist cho rằng chính sách quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc dù đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng chỉ là những kết quả ban đầu, việc đồng tiền này thực sự trở thành đồng tiền toàn cầu sẽ gặp phải một số rào cản lớn. Đó là, thị trường trái phiếu bằng đồng tiền này vẫn còn khiêm tốn và thị trường vốn của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn khép kín trong một thời gian dài nữa. Một số công ty quốc tế muốn có đồng tiền này trong tay để thuận tiện hơn trong các giao dịch với Trung Quốc đại lục.
Khi nào đồng NDT ở nước ngoài chưa thể quay vòng một cách hiệu quả vào Trung Quốc đại lục thì thị trường của đồng tiền này sẽ vẫn “khập khiễng”.
VIỆT ANH