Sông Son thuộc di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình) đang kêu cứu bởi tình trạng sạt lở, xâm thực mạnh hai bờ sông một đoạn dài hơn 20km và rác vây chặt khắp nơi ở hạ lưu.
Từ cầu Xuân Sơn đi lên ngã ba Chày Lập (Sơn Trạch) hai bên bờ sông Son bị sạt lở nặng. Có những hàm ếch ăn vào vườn nhà dân sâu hơn 20m. Vườn đậu phộng của ông Nguyễn Văn Lục vừa mới trồng trước tết hơn 3 sào, sau vài ngày đã bị nước sông cuốn mất khoảng 60m² đất để lộ ra một hố sâu hun hút cả chục mét chiều cao. Ông Lục nói: “Mấy năm trước có như ri mô, năm nay sạt lở khiếp quá, đêm nằm ngủ nghe đất rơi ầm ầm, sáng dậy thấy mất gần nửa vườn cây”.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, sạt lở dọc sông Son đang đe dọa hàng trăm hộ dân và có chiều hướng xấu đi. Chỉ 1 năm trở lại đây, sông Son đã nuốt chửng hơn 5ha đất nông nghiệp của dân. Lý giải việc trên, ông Hòa cho biết, nạn khai thác cát lậu dọc sông Son đang ngày một tồi tệ hơn.
Trong lúc chúng tôi tìm hiểu sạt lở sông Son thì ngay giữa lòng sông có đến 3 thuyền máy đua nhau hút cát. Gần đó, bên bến phà Nguyễn Văn Trỗi, một chiếc máy hút cát công suất lớn đang thò vòi đổ cát vào chiếc xe IPA một cách ngang nhiên.
Nhiều người dân đã phản ánh tình trạng hút cát sông Son nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý. Việc địa phương thiếu kiên quyết đã dẫn đến sạt lở thường trực diễn ra đối với dòng sông di sản. Sạt lở không những cướp mất đất của dân mà còn cuốn đổ nhiều biển báo giao thông đường thủy, nhiều cột biển hiệu trước đây cách bờ sông hơn 10m nay bị sạt lở cuốn xuống cách mặt nước chừng 2m. Tình trạng hút cát gây sạt lở hai bên bờ đang đẩy bộ mặt dòng sông di sản biến dạng theo thời gian.
Không chỉ bị sạt lở, đôi bờ sông Son đang bị đủ thứ rác vây chặt. Từ đồ thải của các hộ dân sống bên bờ sông đến rác thải của du khách vứt xuống mặt sông dạt vào hai bên bờ. Tại bến thuyền Phong Nha, chúng tôi chứng kiến rác thải đồ hộp, bao ni lông... vứt ngổn ngang, mặc dù trước đó một tuần, hàng chục đoàn viên cơ sở đã huy động dọn dẹp một phần bờ sông Son trước trung tâm nhà điều hành khu du lịch di sản.
Không chỉ bị sạt lở mà nhiều đoạn sông Son đang phải gánh chịu việc người dân mổ gia súc gia cầm vứt nguyên nội tạng bên bờ khiến mùi thối bốc lên nồng nặc. Sông Son bây giờ đang ngày càng mất dần hình ảnh thân thiện môi trường vì những hành vi thiếu ý thức của nhiều người sống quanh con sông này. Thay vào đó là không khí chua nồng bốc lên lúc nắng nóng và nhếch nhác lúc mưa phùn gió bấc.
Sông Son đang kêu cứu nhưng dường như địa phương chưa có quyết sách cứu lấy dòng sông đang là một phần trong hồ sơ di sản thế giới.
M. PHONG