
Nước sạch đang là đòi hỏi bức bách của người dân nông thôn. Chính vì vậy, thời gian qua, Đồng Tháp đã xây dựng nhiều công trình trạm cấp nước (TCN) ở nông thôn. Thế nhưng, hàng loạt TCN xây xong rồi lại… bị “bỏ quên”.
Trạm xây xong... không nước!
Cụm dân cư (CDC) trung tâm xã Tân Huề, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) hiện có khoảng 200 hộ dân đã vào ở. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây phải hứng nước mưa hoặc lấy nước từ sông lên để sử dụng vì TCN ở CDC này xây dựng xong từ đầu năm 2007 đến nay nhưng không có nước.
Cũng ở xã Tân Huề, khoảng 150 hộ dân ở tuyến dân cư (TDC) rạch Mã Trường cũng đang sử dụng nước rạch vì giếng của TCN bị cạn nguồn! Hiện ngành chức năng đang thỏa thuận với DNTN Đồng Đội để mua lại TCN Tân Huề (hoạt động từ năm 2000 đến nay) nhằm nâng cấp, mở rộng đường ống phục vụ cho cả CDC trung tâm xã Tân Huề. Riêng với TDC rạch Mã Trường sẽ lấy nước từ TCN xã Tân Bình.

Một trạm cấp nước thuộc xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng không hoạt động do có ít người dân gắn đồng hồ sử dụng nước sạch
TCN Tân Hòa (Thanh Bình) nghiệm thu hoàn thành và bàn giao công trình để đưa vào sử dụng vào cuối 12-2004 với lưu lượng 8-10m³/g nhưng khi đầu tư xong mạng lưới đường ống để khai thác thì giếng khoan không đủ lưu lượng để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Ngành chức năng yêu cầu đơn vị thi công đến xử lý. Sau khi súc rửa giếng khoan, lưu lượng nước đạt 3m³/g nhưng vài ngày sau lượng nước giếng khoan bơm lên giảm dần, về sau bơm vài phút là hết nước, phải ngưng bơm một thời gian mới có nước lại. Tình trạng này lặp lại nhiều lần, dẫn đến TCN này phải ngưng hoạt động.
Theo ngành chức năng, do không có kinh phí khoan thăm dò nước ngầm nên không xác định chiều dày hoặc cung lượng tầng chứa nước, đơn vị thiết kế chỉ dựa trên số liệu tham khảo của “Báo cáo tóm tắt đánh giá chất lượng nước dưới đất của tỉnh Đồng Tháp” do Liên đoàn Địa chất thủy văn - địa chất công trình miền Nam lập vào năm 1999.
Theo hồ sơ thiết kế, chiều dài đặt ống lọc trong tầng lấy nước là 20m, nhưng thực tế giếng khoan của TCN này chiều dày tầng chứa nước chỉ có 14m nên rất có thể là tầng nghèo nước không có nguồn nước cấp bổ sung. Được biết, TCN xã Tân Long cũng chung số phận với trạm Tân Hòa và phải đầu tư thêm hệ thống xử lý nước mặt để phục vụ.
Nơi có nước thì ít người dùng
TCN ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A, Lấp Vò đưa vào hoạt động đã được vài tháng nhưng mới có vài hộ mắc đồng hồ nước. Theo một cán bộ của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đồng Tháp, qua những tháng đầu hoạt động, trung bình mỗi hộ sử dụng 5m³ nước, giá 2.500đ/m³ nên tính ra lỗ chi phí vận hành (công nhân, điện, hóa chất...).
Được biết, khi chuẩn bị đầu tư xây dựng TCN này, ngoài khảo sát, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương còn tổ chức họp dân để lấy ý kiến và được đa số người dân ở đây đồng tình. Thế nhưng, khi công trình đưa vào hoạt động thì nhiều hộ trên tuyến đường ống nước đi qua lại chưa chịu ký hợp đồng sử dụng nước máy, mặc dù đã được tuyên truyền vận động nhiều lần và nếu gắn đồng hồ nước sẽ được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 1 triệu đồng với lãi suất 0,65%/tháng (6 tháng trả 100.000đ vốn, cộng lãi suất 1 lần).
Một người dân ở cạnh TCN nhưng chưa chịu gắn đồng hồ nước cho biết: “Nhà ít người nên bơm nước sông lên xài, đỡ tốn tiền. Hơn nữa, gia đình thường đi làm xa nên cũng không cần thiết sử dụng nước máy...”.
Còn gia đình anh Trương Lộc Thọ, ngụ xã Long Hưng A, Lấp Vò hiện có 3 người, đã gắn đồng hồ nước nhưng hơn một tháng chỉ sử dụng gần 3m³ nước, vì gia đình anh chỉ dùng nước máy cho việc nấu ăn, uống, còn các sinh hoạt khác đều dùng nước sông. Theo anh Thọ, nhiều người ở khu vực này chưa chịu sử dụng nước máy vì ngại tốn tiền, chưa thấy được nguy cơ tiềm ẩn của nước sông đối với sức khỏe...
Tại TCN xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng sau khi nhà nước đầu tư phần tạo nguồn (giếng, đài nước...), có đối tác đầu tư hệ thống đường ống đến tận nhà người dân nhưng khi hoàn thành lúc đầu chỉ có trên 10 hộ chịu mắc đồng hồ sử dụng nước máy, số còn lại sử dụng nước từ các giếng bơm tay. Điều này gây khó khăn trong việc thu hồi vốn của nhà đầu tư…
Hiện Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đồng Tháp đang quản lý 9 trạm nhưng vì số hộ sử dụng nước máy còn ít nên hàng tháng lỗ khoảng 2 triệu đồng chi phí vận hành. Đây cũng là một trong những lý do có nhiều TCN đầu tư xong phần tạo nguồn nhưng khó tìm được đối tác đầu tư tiếp phần hệ thống ống dẫn nước, nhất là những nơi dân cư thưa thớt, có nhiều hộ nghèo vì nhà đầu tư sợ bị chậm thu hồi hoặc bị lỗ vốn.
Ngoài ra, việc đầu tư, khai thác và quản lý các công trình cấp nước nông thôn còn một số khó khăn khác cũng đáng được quan tâm tháo gỡ như: Nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho các công trình cấp nước sạch nông thôn còn hạn chế; nhiều TCN có quy mô nhỏ, nằm ở vùng sâu, phân tán nên việc duy tu, quản lý, khai thác còn nhiều hạn chế; tuyến huyện, xã không có đơn vị chuyên trách quản lý, giám sát mà chỉ có kiêm nhiệm;... Do đó, rất cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
HỒNG NGỰ