(SGGPO).- Sáng nay, 22-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT).
Hộ nghèo được BHYT thanh toán 100%
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày nêu rõ, BHYT là hình thức bắt buộc đối với mọi đối tượng.
Về quản lý quỹ BHYT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã chỉnh lý theo hướng các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho khám chữa bệnh lớn hơn số chi khám chữa bệnh trong năm thì phần kinh phí chưa chi hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng BHYT để điều tiết chung. Với các địa phương để xảy ra tình trạng bội chi quỹ BHYT, các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho khám chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám chữa bệnh trong năm thì UBND tỉnh có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ nguồn ngân sách địa phương.
Dự thảo Luật cũng quy định miễn cùng chi trả (tức BHYT thanh toán 100%) cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và quy định mức cùng chi trả là 5% đối với người thuộc hộ cận nghèo. Tuy nhiên, ngành y tế và BHXH cần có giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục việc lạm dụng BHYT của các cơ sở y tế khi thực hiện miễn cùng chi trả cho người nghèo.
Về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi KCB không đúng tuyến, Ủy ban TVQH cho rằng, hiện nay Chính phủ đã ban hành quy định cho phép quỹ BHYT chi trả bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến (cả nội, ngoại trú) ở mức 30%, 50%, 70%. Tuy nhiên quy định này đã làm khám chữa bệnh vượt tuyến ngày càng nhiều, do vậy lần sửa luật này sẽ theo hướng quỹ BHYT thanh toán cho cả những trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến kể cả nội trú và ngoại trú, với mức thanh toán như nhau là 20%, 50%, 70% (giảm một chút cho với hiện hành).
Những vấn đề sửa luật BHYT lần này rất được các ĐBQH quan tâm vì liên quan đến lợi ích thiết thân của mọi người dân. Nhưng nhiều vấn đề vẫn tiếp tục được tranh luận, chưa có sự thống nhất cao.
Đề xuất có nhiều mức đóng-hưởng BHYT
Đa số các ĐBQH trong buổi thảo luận sáng nay đồng tình BHYT là bắt buộc đối với mọi đối tượng, vì cho rằng bắt buộc BHYT nhằm bảo đảm mục tiêu BHYT toàn dân, tránh tình trạng người dân chỉ mua BHYT khi có bệnh, trái với nguyên tắc chia sẻ của BHYT cũng như gây mất cân đối quỹ. Tuy nhiên, một số ĐB vẫn lo ngại bắt buộc nhưng khó khả thi vì hiện nay khám chữa bệnh bằng BHYT còn quá nhiều bất cập mà thời gian qua dư luận đã phản ánh rất nhiều.
ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, không mấy ai muốn đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt cấp vì quá nhiều “trần ai”, nhưng do tuyến dưới quá nhiều yếu kém nên họ mới phải đi tuyến trên. Vì vậy, đưa ra giảm chi trả BHYT đối với khám chữa bệnh trái tuyến từ 30-50-70% hiện hành xuống còn 20-50-70% như dự luật đưa ra là không phù hợp. “Chúng ta bắt buộc người dân tham gia BHYT khi mà chất lượng điều trị chưa bảo đảm, y đức báo động, như vậy sẽ khó thuyết phục dân”, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh nói và đề nghị cần tăng cường giám sát, xử lý những sai phạm.
ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) thống nhất BHYT thanh toán khám chữa bệnh 100% cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, nhưng với hộ nghèo thì phải tính lại. Nếu hộ nghèo bệnh nặng thì được thanh toán 100%, còn lại chỉ 95% để hạn chế sự ỷ lại. Cần tạo điều kiện để các thành phần y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho BHYT sâu rộng hơn.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Hữu Đức có một đề xuất gây chú ý, đó là về mức đóng BHYT, cần có sự phần tầng đối với BHYT tự nguyện, tương ứng với mức hưởng, để thu hút người dân đóng theo điều kiện của mình. “Có thể có tâm lý sợ có sự phân biệt, nhưng cần thiết để có sự phân tầng mức đóng, mức hưởng để tránh tình trạng BHYT là sự ban ơn như hiện nay”, ĐB Nguyễn Hữu Đức. Trao đổi thêm với SGGP bên hành lang Quốc hội sáng nay, một số ĐBQH cho rằng, đề xuất phân tầng mức đóng BHYT là một ý kiến cần quan tâm, tạo tiền đề cho việc đóng nhiều hưởng nhiều. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, nhiều người đóng BHYT nhưng đến khi khám chữa bệnh thì lại vào cơ sở tư nhân mà không cần BHYT, bởi ở đó chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn.
Gần quan điểm này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đồng tình BHYT là bắt buộc, mọi người đều có trách nhiệm tham gia vì lợi ích của bản thân phải xã hội. Tuy vậy, để có tính khả thi phải có cơ chế rõ ràng. “Cụ thể, người không mua thẻ BHYT khi khám chữa bệnh phải thanh toán viện phí theo cách tính đúng tính đủ (không phải là viện phí được bao cấp như hiện nay). Cùng với đó, phải đơn giản, thuận tiện về việc tham gia BHYT cho người dân”, ĐB Sinh nêu.
Đề xuất BHYT cho trẻ suy dinh dưỡng
Nhiều ĐB lên tiếng đề nghị sửa luật lần này cần quy định BHYT chi trả cho việc KCB đối với trẻ em suy dinh dưỡng.
ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em hiện nay và cho rằng, dịch sởi vừa qua bùng phát cũng có nguyên nhân từ điều này. Bởi vậy, BHYT cần ưu tiên cho việc chăm sóc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ em.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cũng nhấn mạnh, Việt Nam là 34 nước có gánh nặng trẻ suy dinh dưỡng lớn nhất trên thế giới. Đây là bệnh nguy hiểm, trong khi kết dư quỹ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi còn lớn, vì vậy cần đưa khám tư vấn, điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng vào lần sửa luật lần này.
Về xử lý kết dư quỹ BHYT cũng được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, thực tế cho thấy kết dư chủ yếu ở các tỉnh khó khăn, điều kiện khám chữa bệnh còn nhiều khó khăn, vì thế đề nghị để lại 50% kết dư để địa phương nâng cao điều kiện khám chữa bệnh.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng phát biểu: “kết dư lớn ở các tỉnh khó khăn không phải họ khỏe đâu, bà con ốm đau lắm đấy, nhưng do điều kiện chưa đi khám chữa bệnh được, vì vậy nếu chuyển giao kết dư của các tỉnh này để điều tiết cho các tỉnh thành khác trong cả nước là không phù hợp”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) và một số ĐB khác lại đồng ý chuyển kết dư về quỹ TƯ để điều tiết chung.
ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cũng đề nghị không đưa toàn bộ kết dư vào quỹ dự phòng của tỉnh, chỉ nên đưa một ít, còn lại phải đưa về quỹ TƯ để điều tiết trên phạm vi cả nước.
| |
PHAN THẢO