Quốc hội thảo luận về đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đồng tình chủ trương, băn khoăn mức độ

Ngày 13-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận về chủ trương đầu tư 2 dự án trọng điểm quốc gia là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án thủy điện Lai Châu. Đối với dự án điện hạt nhân, đa số ý kiến ĐBQH đồng tình về chủ trương đầu tư, nhưng kiến nghị chỉ nên làm trước 1 nhà máy. Đồng thời, các ĐBQH cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ hơn về tính an toàn và hiệu quả của dự án.
Đồng tình chủ trương, băn khoăn mức độ

Ngày 13-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận về chủ trương đầu tư 2 dự án trọng điểm quốc gia là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án thủy điện Lai Châu. Đối với dự án điện hạt nhân, đa số ý kiến ĐBQH đồng tình về chủ trương đầu tư, nhưng kiến nghị chỉ nên làm trước 1 nhà máy. Đồng thời, các ĐBQH cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ hơn về tính an toàn và hiệu quả của dự án.

Chỉ nên làm trước 1 nhà máy điện hạt nhân

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) phát biểu ý kiến về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: MINH ĐIỀN

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) phát biểu ý kiến về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: MINH ĐIỀN

Nhiều ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng những năm sắp tới, điện hạt nhân sẽ là lời giải tốt đối với an ninh năng lượng nước ta. Tuy nhiên, với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, vấn đề an toàn cần được đặt lên trên hết. ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng, để bảo đảm an toàn – ngoài công nghệ, còn có nhiều vấn đề khác như cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực, quản lý…

Đồng ý chủ trương đầu tư, nhưng ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đề nghị chỉ nên làm trước 1 nhà máy, rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có thể yên tâm hơn. “Một lúc làm ngay 2 nhà máy là quá gấp gáp, sợ không đánh giá được hết khó khăn. Vì vậy, trước mắt cứ đầu tư 1 nhà máy, sau đó nếu tình hình sáng sủa thì làm tiếp” - ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đồng tình.

Nhiều ĐBQH kiến nghị nên chọn công nghệ hiện đại, có thể là từ thế hệ 3 trở lên để bảo đảm an toàn. Nếu theo phương án của Chính phủ, số vốn đầu tư sẽ rất lớn. Nếu chọn công nghệ thế hệ thứ 2, số vốn cần khoảng 12 tỷ USD; nếu là công nghệ thế hệ thứ 3 số vốn lên đến 16 tỷ USD. Trong đó, số vốn trong nước khoảng 15%-25%, số vốn đi vay từ bên ngoài 75%-85%.

Theo ĐB Nguyễn Đăng Vang, chỉ nên làm trước 1 nhà máy. Sau đó nếu xét thấy có hiệu quả thì đầu tư tiếp, có thể tính đến cả phương án xã hội hóa, cho cả tư nhân tham gia.

Cũng có ý kiến không đồng tình chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân như của ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn). Ông Thuyết cho rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện và chưa sẵn sàng đầu tư điện hạt nhân: “Nguyên liệu cho nhà máy ta phải nhập, nếu sau đó người ta không bán thì sao? Nhân lực hiện chỉ có 30-40 người, liệu có bảo đảm? Cơ chế quản lý yếu, nhất là tính minh bạch, khi xảy ra sự cố thì sẽ thế nào? Số vốn có thể đội trên 12 tỷ USD, bây giờ Quốc hội quyết thì sau này ai trả?”.

Tiếp tục làm rõ tính an toàn và hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trao đổi thêm với các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay dự án điện hạt nhân mới ở giai đoạn báo cáo đầu tư, nên khi được thông qua nhiều vấn đề ĐBQH quan tâm sẽ tiếp tục được làm rõ ở giai đoạn sau. Về công nghệ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết dù chọn thế hệ nào thì cũng phải bảo đảm các tiêu chí: hiện đại, an toàn, và đã được kiểm chứng.

Liên quan đến đề nghị của các ĐBQH về việc chỉ nên làm trước 1 nhà máy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2015-2016 nước ta sẽ phải tìm các nguồn năng lượng thay thế. Các ĐBQH nhắc tới việc phải tăng cường tiết kiệm năng lượng, và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, Bộ trưởng cho biết Chính phủ cũng đã lưu tâm tính toán việc này. Tuy nhiên, nếu có tiết kiệm thì cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 20% năng lượng, và phải có quá trình. Nguồn năng lượng tái tạo không phải là vô hạn, theo tính toán đến năm 2030 chỉ có thể có khoảng 1.000 MW điện mặt trời và điện gió.

“Nguồn năng lượng này hiệu quả không cao vì phụ thuộc vào tự nhiên. Trong khi đó, đến năm 2030 nước ta sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Vì vậy nên Chính phủ mới trình QH phương án làm luôn 2 nhà máy có công suất 4.000 MW” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích.

Về nguồn nguyên liệu cho nhà máy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay theo phương án của Chính phủ, đến năm 2030 sẽ phải nhập khẩu, nhưng sau đó sẽ nghiên cứu tự sản xuất. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, Chính phủ đã chỉ đạo khi đàm phán với các đối tác cung cấp công nghệ thì phải đạt được cam kết cung cấp nguyên liệu lâu dài, và phải thu xếp được nguồn vốn tín dụng 75% vốn đầu tư của nhà máy.

Bảo đảm an toàn thủy điện Lai Châu

Giống như dự án điện hạt nhân, hầu hết ý kiến ĐBQH đều tán thành chủ trương xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, các ĐB vẫn băn khoăn vấn đề an toàn. Trên thượng lưu sông Đà, phía Trung Quốc đã quy hoạch 11 hồ thủy điện, tổng dung tích 1,7 tỷ m³ nước. Vì vậy, một số ý kiến lo ngại về sự cộng hưởng giữa lũ cực đại và trường hợp xảy ra sự cố vỡ đập trên lãnh thổ Trung Quốc. Các ĐB cũng băn khoăn vì công trình nằm trong khu vực có cấu trúc địa chất và kiến tạo phức tạp, xác suất xảy ra động đất khá cao.

Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), “phải tính tới khả năng vỡ đập. Tuy đó là rủi ro ít xảy ra nhưng vẫn phải tính toán, phải có phương án đối phó chi tiết, phải có diễn tập, kinh phí để phòng ngừa sự số một cách toàn diện”.

ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) cho rằng, thủy điện là cần thiết, nhưng mỗi một tác động đến môi trường đều phải trả giá đắt, vì vậy cần phải tính toán thật kỹ càng. Nhiều ý kiến viện dẫn thực tế lũ lụt ở miền Trung thời gian qua khi thảo luận về độ an toàn của thủy điện Lai Châu, coi đó là phản biện sinh động nhất về việc tính toán khi xây dựng các nhà máy thủy điện.

Bên cạnh vấn đề an toàn, hầu hết ý kiến đều nhấn mạnh đến công tác di dân, tái định cư. Từ hạn chế của việc di dân tái định cư ở thủy điện Hòa Bình, Sơn La và các nhà máy thủy điện khác, nhiều ĐB cho rằng, công tác di dân tái định cư của thủy điện Lai Châu cần rút kinh nghiệm, cần làm đúng trách nhiệm và đạo lý đối với bà con dân tộc thiểu số. 

TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh

TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh

 

H.Yên - L.Nguyên

Năm 2010: Chi 22.090 tỷ đồng điều chỉnh tiền lương tối thiểu

Ngày 13-11, QH đã thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2010 là 303.472 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 265.219 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2010 là 370.436 tỷ đồng, tính cả 52.736 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung từ ngân sách TƯ cho ngân sách địa phương để điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2007, 2008, 2009 theo quy định thì tổng chi ngân sách TƯ là 423.172 tỷ đồng.

Trong đó chi trả nợ và viện trợ 70.250 tỷ đồng; giáo dục đào tạo và dạy nghề 19.000 tỷ đồng; y tế 12.000 tỷ đồng và chi cho lương hưu, bảo đảm xã hội 56.140 tỷ đồng. Năm 2010, dành 22.090 tỷ đồng để điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung từ 650.000 lên 730.000 đồng/tháng, từ 1-5-2010. Chi cho đầu tư xây dựng cơ bản là 69.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, QH cũng quyết nghị dành 3.700 tỷ đồng để bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi; dành 800 tỷ đồng để chi bổ sung dữ trự quốc gia; dành 23.700 tỷ đồng để chi cho quản lý hành chính...

Nghị quyết QH cũng nêu rõ một số định hướng chi tiêu, trong đó các cơ quan Trung ương và các địa phương cần tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi chưa bức thiết. Tiếp tục rà soát, không bố trí vốn cho các dự án, công trình chưa đủ thủ tục đầu tư; chủ động sắp xếp chi thường xuyên, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương.

P.Thảo

Tin cùng chuyên mục