Người Rục ở Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình đã biết làm lúa nước. Có vẻ muộn bởi đấy là việc mà vào buổi bình minh của loài người hàng ngàn năm trước, nhiều tộc người đã làm. Nhưng đây là một bước tiến dài trong hành trình hội nhập cộng đồng của người Rục sau 50 năm rời hang đá. Tháng 7 vừa rồi, họ đã có bữa cơm đầu tiên do chính mình tạo ra. Giữa biên cương xa xôi, tấm lòng của bộ đội biên phòng một lần nữa như con đường sáng để người Rục đến với văn minh.
- Người Rục mời cơm
Đã nhiều lần lên công tác ở 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ sâu tít giữa trùng điệp đá vôi trên Tây Trường Sơn, nơi đồng bào người Rục đang sinh sống, nhưng lần này tôi mới được Cao Phúc mời cơm. Phúc giãi bày: “Từ trước đến giờ không dám mời nhà báo vì nhà ăn cơm gạo trợ cấp của Nhà nước. Với lại người Rục có mời là phải mời cái của mình làm ra thôi. Năm ni có gạo mới, dân bản mình thu hoạch, nhà nào cũng có phần, đây là phần gạo mới nhà mình có, nhà báo phải ăn để biết gạo mới ở đây”. Phúc vui vẻ khoe: “Đây thực sự là bữa cơm do chính tay vợ Phúc đạp lúa, hong khén và nấu”. Bữa cơm với muối trắng đâm ớt rừng, canh măng đạm bạc nhưng rất ngon vì nóng hổi, thơm lừng.
Bưng bát cơm lại nhớ, 2 năm trước, người đầu tiên có vụ thu hoạch lúa mới ở thung lũng Rục là Trần Trực, trưởng bản Yên Hợp. Trực đã thức chong ngày thu gặt, lúc đó vợ con Trực không tin nhà mình có thể trồng được cây lúa, cái cây mà họ chỉ thấy mỗi lần xuống phố huyện Quy Đạt. Nhưng Trực thì tin lời các anh bộ đội rằng làm lúa là có được gạo. Mà có gạo là không đói cái bụng, không lang thang vất vưởng trong rừng lượm quả, hái cây, săn chuột lồ ô mưu sinh. Hôm nay không phải là ngày của 2 năm trước, cũng không còn những ngày ở hang đá, mà là ngày đặc biệt với cả 375 người Rục khi họ cùng bưng bát cơm thành quả lao động thấm đẫm mồ hôi, nước mắt khai hoang. Bưng bát cơm dẻo thơm người Rục mời, tôi tin rồi sẽ có nhiều khách phương xa khác được mời cơm vào những vụ lúa tới.
- Đồng Rục Làn từ tấm lòng biên phòng
Có được bữa cơm do chính mình làm ra, người Rục đã phải “vượt lên chính mình” bằng sự cố gắng vượt bậc, nhưng yếu tố mang tính chất quyết định là bên cạnh họ luôn có những cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Quảng Bình.
Cao Phúc kể: “Bộ đội họp dân, cho biết sẽ khai hoang 10 ha, bộ đội dọn cỏ trước, sau đó chia đất cho dân theo hộ, chia các hộ dân thành tổ, mỗi tổ 10 hộ. Rồi các anh hẹn lịch làm việc từng ngày với dân bản. Dân vui, dân tin, dân làm theo sau khi trong bản có Trần Trực thu hoạch vụ lúa chắc mẫm do biên phòng bày cho”.
Tháng ngày khai hoang trong sương rét núi rừng, mỗi sáng thức dậy, các trưởng bản đi loa từ đầu bản nhắc mọi người đến giờ lao động tập thể; bộ đội biên phòng cũng đánh kẻng vào giờ xuống ruộng. Những ngày đầu, kẻng đánh vào giờ làm việc sáng, khi nghỉ trưa, vào giờ chiều và nghỉ tối. Tập dần thành quen, những ngày sau, chưa có kẻng đã có người ra đồng.
Người Rục khi đã đồng ý việc gì, họ làm cho bằng được, tuy có lối sống lạc hậu nhưng người Rục lại rất đúng giờ. Cứ tiếng kẻng sáng vang lên, nhà nào cũng lũ lượt đến cánh đồng Rục Làn vừa khai hoang nghe bộ đội bày cách chăm đất, bón đất tơi xốp rồi tháo nước ra sao để lúa lên mẩy. Chăm chỉ, nhưng cái đầu chưa hiểu, nhiều người vẫn lóng ngóng với cái liềm, cái cuốc, cái cày. Hôm đưa máy cày loại nhỏ ra đồng cày đường đầu tiên, bộ đội biên phòng nghe người Rục nói: “Ôi con trâu máy thở khói đen khỏe rứa, khỏe rứa”. Nghe lời đó, Đồn biên phòng 585 thầm hiểu, họ còn phải giúp đồng bào của mình nhiều hơn nữa để mùa gặt của vùng Rục Làn được tốt tươi cho nhiều năm sau.
- “Vườn treo” văn minh lúa nước
Giờ đây, bên những rặng núi đá vôi của dãy Trường Sơn đã có cánh đồng Rục Làn bát ngát xanh tươi. Đầu tháng 7 vừa qua, vụ mùa đầu tiên của 10ha khai hoang được thu hoạch. Vụ gặt đó rộn ràng, nhộn nhịp, tràn đầy sinh khí dù nhiều người cầm liềm còn lóng ngóng. Cao Tuấn chia sẻ: “Cầm cái nỏ, cái cung quen rồi, cầm cái liềm lạ quá. Cái liềm nhìn nhỏ nhỏ rứa mà làm nhiều việc thiệt, văn minh thiệt”.
Người Rục xem 10ha lúa nước như “vườn treo” của riêng họ với ăm ắp ân tình cưu mang của bộ đội biên phòng. Giữa biên cương xa ngái, tấm lòng của bộ đội biên phòng một lần nữa như con đường sáng để người Rục tiến xa hơn trong hành trình hội nhập cộng đồng. Mùa vàng của “vườn treo” Rục Làn là kỳ tích của bộ đội biên phòng. Năng suất vụ đầu tiên đạt 35 tấn/ha, vượt gấp đôi dự kiến ban đầu càng tăng thêm niềm tin và quyết tâm mới cho bộ đội biên phòng. Các anh đang lên kế hoạch khai hoang hàng chục hécta đất mới vào năm sau. Như thế, “vườn treo” văn minh lúa nước chắc chắn sẽ rộng hơn, trĩu hạt hơn giữa đại ngàn Trường Sơn.
MINH PHONG