Những mô hình làm ăn hiệu quả
Cách đây không lâu, người dân ở xã Phước Hậu (huyện Cần Giuộc) phải “một nắng hai sương” với cây lúa, nhưng sau vụ mùa “tay trắng vẫn hoàn tay trắng”. Khoảng 10 năm lại đây, người dân bỏ lúa chuyển sang trồng rau màu và như có phép màu: nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Anh Thanh, một nông dân ấp Long Giêng, cho biết: “Lúc trước, 5 công đất làm lúa quanh năm mà không đủ ăn, nhờ chuyển qua trồng rau nên bây giờ gia đình khá hơn”.
Cũng theo anh Thanh, hiện nay, với 5 công ruộng trồng cải xanh, cải ngọt, mỗi năm thu hoạch 8 đợt, đã đem về cho anh gần 130 triệu đồng tiền lời. Không chỉ anh Thanh mà nhiều bà ở xã Phước Hậu, cũng như những xã gần kề như Long Thượng, Phước Lâm, Mỹ Lộc… của huyện Cần Giuộc cũng “sống được” nhờ cây rau màu. Hiện nay, diện tích trồng rau của huyện Cần Giuộc đã tăng lên gần 2.000ha, nhiều nhất tỉnh. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết: Ngoài vùng nuôi thủy sản ở các xã vùng hạ, huyện đang tập trung phát triển vùng sản xuất rau ở các xã vùng thượng, bởi giá của loại cây trồng này cao và ổn định hơn cây lúa.
Trong khi đó, cây chanh ở các xã ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Bến Lức cũng luôn được mở rộng, xanh vườn. Nói theo cách của bà con nông dân ở đây, tuy trái chanh có vị chua, nhưng khoảng 10 năm nay, cây chanh luôn cho “vị ngọt” sau mỗi vụ thu hoạch. Từ vài hécta trồng thử nghiệm ban đầu, nay đã lên hơn 3.000ha. Mỗi năm, 1ha đem về cho người dân từ 100 - 150 triệu đồng, trồng chanh không hạt thì lợi nhuận có thể gấp đôi.
Còn với cây thanh long ở huyện Châu Thành, lợi nhuận đem về cho người dân càng lớn hơn. Nếu trúng mùa, được giá, mỗi hécta thanh long đem về lợi nhuận trung bình từ 200 - 350 triệu đồng, trồng thanh long ruột đỏ lời còn cao hơn. Có lẽ thu nhập kiếm được từ cây thanh long quá lớn so với cây lúa, nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nông dân đã nâng diện tích trồng thanh long từ hơn 1.300ha năm 2010 lên hơn 7.000ha năm 2015 (kế hoạch của tỉnh là 1.500ha). Còn các huyện ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi sản xuất lúa chính của tỉnh, cũng nhanh chân tham gia vào các cánh đồng lớn để tìm cơ hội tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích lúa. Chỉ tính riêng năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với 19 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt cánh đồng lớn, với diện tích gần 30.000ha (tăng hơn 11.000ha so năm 2014). Tính ra, mỗi hécta trên cánh đồng lớn tăng thêm thu nhập cho người dân từ 3 - 5 triệu đồng so với bên ngoài…
Thu hoạch chanh ở huyện Bến Lức - Long An Ảnh: MINH THÔNG
Đột phá chiều sâu, phát triển bền vững
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, có trên 10.800ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp, mè... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, giá trị cao. Tuy nhiên, cây lúa vẫn còn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. Do vậy, để sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, đa dạng và có tính đột phá, thì ngành nông nghiệp của tỉnh phải phấn đấu tích cực trong một quá trình dài.
Ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An, cho rằng: “Theo xu thế hiện nay, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chỉ có thể ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá. Bởi chọn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhằm thiết lập các điều kiện nền tảng cần thiết cho mục đích tăng trưởng ổn định, bền vững, đáp ứng đồng bộ yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”.
Có thể nói, hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Long An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều loại cây đem lại giá trị kinh tế cao như thanh long, chanh, rau màu đã được khuyến khích trồng, thay vì chỉ trồng mỗi cây lúa. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển thêm nhiều loại cây trồng mới như cây mè, cây bắp, khoai mỡ… Những giống cây trồng này đang từng bước góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn.
Theo ông Lê Văn Hoàng: Kết quả đạt được từ những mô hình, phương thức làm ăn mới, nhất là việc chuyển đổi hiệu quả cây trồng - vật nuôi trong thời gian qua là khá tích cực; góp phần củng cố để ngành xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như vùng lúa chất lượng ở khu vực Đồng Tháp Mười (có trên 60% diện tích sử dụng giống xác nhận, 30% sản lượng lúa đạt lúa chất lượng cao, giống lúa IR 50404 được khống chế ở mức 10% - 15%), vùng rau thực phẩm Cần Đước - Cần Giuộc, vùng chanh Bến Lức - Đức Huệ, thanh long Châu Thành, chăn nuôi gia súc ở Đức Hòa, nuôi thủy sản ở các huyện vùng hạ…
Nhiều loại cây trồng như lúa, chanh, thanh long, rau màu… đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tỉnh cũng đã xây dựng 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt trên địa bàn 4 huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc (với 718 hộ, gồm chăn nuôi heo và gà, đã có trên 85% hộ chăn nuôi trong vùng được chứng nhận chuẩn VietGAP nông hộ). Bước đầu đã hình thành được chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn thông qua chuỗi sản phẩm thịt sạch, giết mổ sạch và buôn bán thịt sạch. Cũng theo ông Hoàng, đảm bảo đầu ra cho hàng hóa nông sản cũng đang được ngành tính tới.
Cho nên, khi quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu phải gắn với nơi tiêu thụ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, phải đẩy nhanh sản xuất theo mô hình GAP tại các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh cây trồng. Bởi chỉ có sản xuất theo tiêu chuẩn GAP thì mới hy vọng sản phẩm các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh vào được các thị trường khó tính. Khi đó, sản xuất cây trồng mới thật sự mang lại hiệu quả và phát triển bền vững.
ĐĂNG NGUYÊN - PHƯƠNG KHANH