Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc: Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Ngày 17-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chính thức khởi công dự án tuyến cáp ngầm xuyên biển thuộc Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Ngày 17-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chính thức khởi công dự án tuyến cáp ngầm xuyên biển thuộc Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVN SPC Lê Xuân Thái cho biết, đây là dự án nhóm A có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, nhằm đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục và ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên đảo đến năm 2020. Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc là loại cáp một sợi 3 li, dài 57,33km, tiết diện 3x630mm², khả năng tải tối đa 131MVA. Dự kiến ngày 11-1-2014 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt cáp.

Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành công tác triển khai thi công đường dây 2 mạch 110kV trên đảo Phú Quốc dài 7,6km và lắp đặt 1 máy biến áp lực dung lượng 40MVA, có sẵn vị trí để lắp đặt thêm máy biến áp thứ tại trạm biến áp 110kV Phú Quốc. Ngoài ra, để đấu nối cho dự án cáp ngầm và tăng cường khả năng cung cấp điện cho thị xã Hà Tiên, EVN SPC đã đầu tư 2 công trình lưới điện 110kV đồng bộ với dự án này và đã đóng điện vận hành vào tháng 2-2013, bao gồm: đường dây 2 mạch 110kV Kiên Lương - Hà Tiên, chiều dài 18,2km; trạm biến áp 110kV Hà Tiên với công suất 40MVA.

Để đấu nối Trạm biến áp 110/22kV Phú Quốc vào lưới điện hiện hữu trên đảo, EVN SPC cũng đã đầu tư công trình các lộ ra của Trạm biến áp 110kV Phú Quốc, bao gồm: 520m cáp ngầm 22kV và 10,5km đường dây 22kV, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12-2013.

Ông Thái cũng cho biết, hiện nhà thầu Prysmian Powerlink đã chuyển cáp đến điểm tiếp bờ Phú Quốc. Về kỹ thuật rải cáp điện ngầm dưới đáy biển, nhà thầu thống nhất chọn phương pháp rải và chôn cáp đồng thời. Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.

Theo đó, máy chôn cáp được kéo bởi tàu chủ di chuyển phía trước theo tuyến đã được thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống ống phun nước cao áp trên 2 thân cài đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước có độ sâu theo chế độ cài đặt. Cáp được thả xuống đáy rãnh ở phía sau. Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp. Quá trình này được thực hiện một cách liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so mặt đáy biển tùy thuộc địa hình đáy biển.

Quá trình thực hiện rải và chôn cáp được thực hiện hoàn toàn tự động tuân thủ chế độ giám sát, kiểm soát, điều khiển nghiêm ngặt. Trước đó, để quá trình thi công đặt cáp ngầm diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV 29 (Công ty 29) thuộc Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc Phòng) rà phá bom mìn, vật nổ thuộc dự án cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc để kịp thi công. Đến nay công tác dò phá bom, mìn, thăm dò địa chất dưới biển và hai bờ Phú Quốc, Hà Tiên đã hoàn tất, sẵn sàng cho công tác thi công lắp đặt cáp.

Dự án trên được triển khai lập dự án đầu tư vào tháng 12-2007 và được phê duyệt hiệu chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 1354/QĐ-BCT ngày 22-3-2012. EVN SPC tổ chức đấu thầu EPC quốc tế (thiết kế, cung cấp vật tư và thi công) và ký kết hợp đồng vào ngày 3-5-2012 với nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Italy) với tiến độ dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2014.

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của chủ đầu tư cũng như cam kết của nhà thầu, dự án sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến 6 tháng và sẽ khánh thành vào trung tuần tháng 2-2014.

LẠC PHONG-THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục