Dự án cầu Cái Tàu Thượng - An Giang: Tiểu thương tiếp tục kêu cứu

Đã gần một năm kể từ khi Báo SGGP đăng bài “Xây cầu Cái Tàu Thượng - An Giang: Dân hết đường làm ăn” (ngày 26-1-2013), nhưng đến nay hàng chục hộ dân và tiểu thương tại ấp Thị 1, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vẫn tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng trình bày tình hình mua bán kinh doanh bị ngưng trệ do việc xây dựng cầu gây ra.

Như Báo SGGP đã từng phản ánh, cầu Cái Tàu Thượng do Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang làm chủ đầu tư và nhà thầu là liên doanh giữa doanh nghiệp tư nhân Tiến Đạt và Công ty Xây dựng công trình giao thông 586. Dự án được khởi công vào tháng 6-2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2013 với tổng giá trị gói thầu trên 22 tỷ đồng từ vốn ngân sách, dài 56,14m, rộng 11,4m, tải trọng 19 tấn. Đường vào cầu theo chuẩn cấp 4 đồng bằng.

Kết cấu mặt đường bê tông nhựa, chiều dài vào cầu mỗi phía 112,7m; nằm trên tỉnh lộ 942, nối liền hai bờ tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tuy nhiên, việc thiết kế kè bê tông cốt thép thành cầu cao 2,5m với chiều dài 112,7m để xây dựng đường dẫn lên cầu và đường dân sinh quá hẹp khiến việc buôn bán của bà con trong khu vực bị ngưng trệ hoàn toàn, mất kế mưu sinh…

Ngay sau khi người dân cũng như dư luận lên tiếng, tháng 9-2013, Sở GTVT An Giang quyết định thay đổi thiết kế, hạ độ cao đường dẫn cầu Cái Tàu Thượng trên tỉnh lộ 942 (phía bờ thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới) thấp xuống gần 1m. Ngoài ra, dãy kè taluy bằng bê-tông của đường dẫn này cũng đã được dỡ bỏ để người dân đi lại, ra vào khu vực chợ ở đây được thuận tiện.

Ngoài ra, Sở GTVT An Giang cũng đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư làm thêm con đường dân sinh dài 300m để đáp ứng việc đi lại, làm ăn của người dân. Với những quyết định thay đổi này, người dân địa phương cũng như chủ các phương tiện qua lại hết sức ủng hộ, đồng tình.

Tuy nhiên, đến nay khi công trình đang bước vào giai đoạn cuối, thi công lắp đặt lan can cầu thì bị người dân và tiểu thương phản đối, ngăn cản và gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng. Theo tường trình trong đơn của người dân, việc lắp lan can cầu cao 1,2m, kéo dài gần 100m, trong khi đường dân sinh quá hẹp đã khiến việc đi lại cũng như buôn bán bị ảnh hưởng.

 “Khi mời họp dân để thông báo việc xây cầu, chủ đầu tư nói lan can chỉ cao tối đa 0,9m và kéo dài 30m. Nhưng đến nay, nói một đằng thực tế làm một nẻo khiến việc mua bán của chúng tôi tiếp tục ế ẩm”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngụ ấp 1, bức xúc.

Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Dũng thuộc Bộ Giao thông Vận tải, việc bà con phản đối lắp đặt lan can tại cầu Cái Tàu Thượng là có cơ sở. Bởi cây cầu chỉ dài 50m, độ dốc không cao, trong khi đây lại là khu vực thị tứ đông dân cư nên không nhất thiết phải lắp lan can quá cao và dài. Điều này không những ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của bà con mà còn làm mất mỹ quan và gây lãng phí.

“Với quy mô cây cầu này, chỉ cần lắp lan can cao khoảng 0,7m, dài 30m. Còn nếu chủ đầu tư lo ngại về an toàn giao thông có thể đề nghị cơ quan chức năng gắn biển báo giảm tốc độ hoặc lắp đặt các trụ lan can di động với khoảng cách an toàn để cảnh báo người và phương tiện đi lại”.

Thiết nghĩ, việc đề xuất này cũng như nguyện vọng của bà con tiểu thương cần được chủ đầu tư là Sở GTVT An Giang nghiên cứu và điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận tiện cho bà con sinh hoạt, làm ăn; tránh gây lãng phí.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục