Dự án di dời và tái định cư thủy điện Sơn La: Chậm và nhiều bất cập

Dự án di dời và tái định cư thủy điện Sơn La: Chậm và nhiều bất cập

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện nay chương trình di dân ra khỏi khu vực sắp là lòng hồ thủy điện Sơn La, nhằm phục vụ cho việc thi công công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam chẳng những chậm về tiến độ so với mục tiêu đề ra mà những nơi đã tái định cư thành công lại đang bộc lộ khá nhiều bất cập.

Có nhà, chẳng “an cư”

Chúng tôi đến các xã Mường Trai, Chiềng Lao, Hua Trai thuộc huyện Mường La (Sơn La), một trong những nơi đã được quy hoạch thành khu vực tái định cư của dự án thủy điện Sơn La để thi công đập thủy điện.

Ông Lò Văn Lộ, chủ một hộ ở làng tái định cư Co Có thuộc xã Mường Trai lo lắng nói: “Suốt nhiều tháng nay, không chỉ riêng gia đình tôi mà cả bản đều ăn không ngon ngủ không yên khi những ngôi nhà của mình có thể sập đổ bất cứ khi nào”. Ông Lộ cho biết, ngôi nhà của ông là một trong 28 ngôi nhà được dựng lên thuộc dự án tái định cư để các hộ dân phải nhường đất lại cho thủy điện có nơi ở mới. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng, hiện ngôi nhà của gia đình ông đã bắt đầu lún khoảng 50cm và trông bên ngoài thì nó nghiêng hẳn sang một bên.

Dự án di dời và tái định cư thủy điện Sơn La: Chậm và nhiều bất cập ảnh 1

Một góc làng tái định cư ở xã Mường Trai (Mường La-Sơn La) vẫn còn ngổn ngang, tạm bợ, người dân chưa biết làm ăn thế nào để duy trì cuộc sống sau khi di chuyển đến nơi ở mới. Ảnh: Hoàng An

Không chỉ nhà xiêu, núi lở, hiện nay hầu như các con đường dẫn vào khu tái định cư cũng đều đang bị sạt lở, vùi lấp. Những ngày mưa, hầu như các loại xe cộ không thể vào được bản làng. Nhiều hộ dân bị cô lập. Ngay cả đi bộ từ các làng bản ra ngoài cũng rất nhọc nhằn.

Anh Quàng Văn Chiện, cán bộ Văn phòng UBND xã Mường Trai, khẳng định sau khi các dự án đường dân sinh (được đầu tư bằng nguồn vốn tái định cư) bị hư hỏng thì người dân không còn dám đi lại nữa. Bà con phải vượt đường rừng là chính.

Anh Chiện cho rằng, sở dĩ có tình trạng sạt lở và sụt lún trên diện rộng ở các làng tái định cư kể trên là do Ban quản lý dự án tái định cư thủy điện Sơn La đã không khảo sát kỹ lưỡng đặc điểm thổ nhưỡng ở những điểm tái định cư, làm nhanh, nóng vội để đạt chỉ tiêu, kế hoạch.

Trước đây, ở Sơn La đã từng nổi lên “điểm nóng” tái định cư Tân Lập - sau khi đưa dân đến ở thì nhà xuống cấp nghiêm trọng, kiến trúc không phù hợp tập quán ở và canh tác của người vùng cao, điện-đường-trường-trạm thiếu và xuống cấp. Sau đó, Sơn La đã rút kinh nghiệm, làm bài học cho những điểm tái định cư mới. Nhưng cho đến nay, những bất cập vẫn không tránh được.

Bức tranh cơ sở hạ tầng đã vậy, song điều người dân còn lo lắng hơn là sau khi về nhà mới, làng bản mới thì họ lại không biết sống ra sao, làm cách nào để tăng gia sản xuất. Hoạt động di dời, tái định cư thực giống như việc cho con cá, cần câu nhưng lại không giúp người dân biết cách làm sao câu cá.

Các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KH-KT rất yếu. Bởi vậy, ngoại trừ chỉ có số ít người biết tu chí làm ăn, nhiều gia đình sau khi cầm được nắm tiền hỗ trợ, chẳng biết dùng vào việc gì, đành “nướng” vào rượu chè, cờ bạc...

Đảm bảo hoàn thành di dời vào đầu năm 2010

Theo Bộ NN-PTNT thì hiện các địa phương gồm Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã hoàn thành cơ bản việc chuẩn bị địa bàn để tái định cư. Trong năm 2008, đã di dân và tái định cư được 7.100 hộ, giải ngân được 3.661 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân đã được di dời so với mục tiêu chung vẫn được nhận định là quá chậm, hiện mới đạt khoảng 64,3%. Cụ thể, trong số 19.669 hộ dân cần phải di dời, hiện mới có 12.650 hộ được tái định cư.

Theo ông Lê Văn Thành, Phó Văn phòng Ban tái định cư thủy điện Sơn La thuộc Bộ NN-PTNT, mặc dù trong năm 2009 Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải khẩn trương di dời và tái định cư 5.998 hộ dân (trong đó Sơn La có 3.799 hộ, Điện Biên 1.549 hộ và Lai Châu là 650 hộ) nhưng đến đầu tháng 2-2009, các tỉnh vẫn chưa lên được kế hoạch di dời cụ thể.

Trước tình hình trên, ngay từ tháng 11-2008, Bộ NN-PTNT đã liên tục tổ chức các cuộc họp “nóng” để bàn giải pháp giúp các địa phương đẩy nhanh kế hoạch di dân. Theo mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đề ra thì đến tháng 3 và 4-2009, tỉnh Lai Châu sẽ là địa phương đầu tiên hoàn tất việc di dời tái định cư, tỉnh Sơn La chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 31-12-2009 (thời hạn cũ là tháng 5-2009). Riêng tỉnh Điện Biên là nơi triển khai chậm nhất, phải dời thời hạn đến tháng 3-2010.

Ông Thành khẳng định, từ cách đây 3 năm, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương yêu cầu các địa phương hướng dẫn bà con sau khi nhận tiền đền bù thiệt hại, tiền hỗ trợ thì phải gửi ngay vào quỹ tiết kiệm sau khi đã chi tiêu vào những công việc thiết yếu nhất.

Theo ông Thành, khi một hộ dân di chuyển đến nơi ở mới ngoài việc được đầu tư về cơ sở hạ tầng, được giao đất tạm để tăng gia sản xuất còn được hỗ trợ một khoản đủ để bà con tái đầu tư, như tiền để làm nhà, tiền đền bù thiệt hại ở nơi ở cũ: trung bình là 70-80 triệu đồng/hộ, có nhiều gia đình được đền bù tới 120-150 triệu đồng. Đặc biệt, còn có khoản tiền hỗ trợ nông dân sản xuất. Mặc dù đến nay, mới có khoảng 2.000 hộ trong tổng số 19.669 hộ được giao đất sản xuất có chứng nhận quyền sử dụng, song hầu như các hộ dân đều có đất giao tạm để làm ăn.

Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ mức tiền để đầu tư sản xuất không hề nhỏ: hộ gồm 4 người là 16 triệu đồng, 5 người là 19 triệu đồng và 6 người là 22 triệu đồng. Như vậy, một hộ dân sau khi di dời được hỗ trợ khá nhiều khoản tiền.

“Nhưng tiền dự án sau khi đã chuyển sang tay người dân thì thuộc tài sản của dân, Nhà nước không thể kiểm soát được nữa. Và để đồng tiền được sử dụng, chi tiêu có hiệu quả thì các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi và cả chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp họ cách để đồng tiền sinh lời, trong đó gửi sổ tiết kiệm cũng là một cách. Do không làm tốt, nên sau khi cầm tiền về, không ít hộ gia đình đã tiêu xài lãng phí, đầu tư không đúng mục đích” - ông Thành nói. 

PHÚC HẬU - HOÀNG AN

Tin cùng chuyên mục