Dự án du lịch trên đất chưa phân định ranh giới: Chưa thể thi công vì đang tranh cãi

Dư luận đang xôn xao xoay quanh dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế trên núi Hải Vân khi phía Đà Nẵng cho rằng xây trên phần đất chưa phân định ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Trong khi Thừa Thiên - Huế lại khẳng định, dự án trên triển khai với diện tích khoảng 200ha thuộc Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án du lịch trên đất chưa phân định ranh giới: Chưa thể thi công vì đang tranh cãi

Dư luận đang xôn xao xoay quanh dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế trên núi Hải Vân khi phía Đà Nẵng cho rằng xây trên phần đất chưa phân định ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Trong khi Thừa Thiên - Huế lại khẳng định, dự án trên triển khai với diện tích khoảng 200ha thuộc Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trạm bảo vệ rừng 251, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bị lực lượng Quy tắc đô thị phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tháo dỡ vào tháng 10-2013 do xây dựng trái phép nhưng nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Thừa Thiên - Huế: Cấp phép theo quy hoạch đã phê duyệt?!

Theo giấy chứng nhận đầu tư ngày 24-10-2013 mà Ban Quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô cấp cho Công ty cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) làm chủ đầu thì dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế có diện tích khoảng 200ha tại khu vực Mũi Khẻm cách hòn Sơn Chà gần 1km thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng phòng Xây dựng - Tài nguyên - Môi trường KKT Chân Mây - Lăng Cô, cho biết, đây là dự án lớn, trọng điểm của địa phương nhưng triển khai tại địa hình phức tạp, hạ tầng kỹ thuật chưa có nên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một con đường trải nhựa dài khoảng 5km từ đỉnh đèo Hải Vân đi vào khu vực dự án (hướng ra biển) với kinh phí 50 tỷ đồng. Đồng thời đang đẩy mạnh thi công hệ thống dẫn điện chiếu sáng, nước chuẩn bị cho việc triển khai dự án này. Ngoài ra, để phục vụ việc triển khai dự án, ngày 13-3-2014 Ban Quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô đã cho phép Công ty cổ phần Thế Diệu xây dựng nhà tạm và lán trại ngoài phạm vi dự án, trên khu đất trống và chưa sử dụng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý. Sau khi hoàn thành thi công khu nghỉ dưỡng, nhà đầu tư phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng tạm này theo cam kết.

Trụ sở Công ty cổ phần Thế Diệu vừa được xây dựng trên vùng đất chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Về việc Đà Nẵng cho rằng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế được Thừa Thiên - Huế cấp phép xây dựng trên đất chưa phân định ranh giới giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng, ông Tuệ cho biết, mới nghe báo chí phản ánh chứ ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ phía TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích thực hiện dự án này nằm trong Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1771/QĐ-TTg vào ngày 5-12-2008.

Trước khi cho phép dự án triển khai, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mời đại diện các ban ngành trong tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để lấy ý kiến, xem xét rất kỹ về an ninh, quốc phòng. Tất cả hoạt động xây dựng của khu nghỉ dưỡng nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của Ban Quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cũng theo ông Tuệ, nguyên nhân dẫn đến việc Đà Nẵng phản đối việc cấp phép triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế mà báo chí phản ánh trong những ngày qua là cách đây 6 tháng, TP Đã Nẵng đã lập bản đồ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, bản đồ mới đã thay đổi đường phân định ranh giới Đà Nẵng xê dịch về phía Thừa Thiên - Huế để chiếm một nửa hòn Sơn Chà có tổng diện tích 150ha (Thừa Thiên - Huế xưa nay gọi hòn Sơn Chà để phân biệt với bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng). Hòn Sơn Chà nằm trong vùng biển Thừa Thiên - Huế, thuộc địa giới hành chính của huyện Phú Lộc do Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý bằng việc thiết lập Trạm kiểm soát biên phòng đảo Sơn Chà thuộc Đồn biên phòng Lăng Cô. Cũng trên bản đồ bản đồ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng thì tên gọi hòn Sơn Chà thay bằng “Sơn Trà con”. Kiểm tra lại các tài liệu lịch sử liên quan đến việc hình thành và phát triển của Đà Nẵng thì không nhắc đến địa danh này. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét và xử lý.

Đà Nẵng: Đề nghị tạm dừng thi công

Quan sát của phóng viên Báo SGGP tại khu vực Công ty cổ phần Thế Diệu đang thực hiện dự án Khu du lịch World Shine - Huế cho thấy, một nhà điều hành của dự án trên vừa được xây dựng trên núi Hải Vân với quy mô 2 tầng, phía trên có gắn bảng “Công ty cổ phần Thế Diệu” và địa chỉ ghi “Thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Có mặt tại hiện trường, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), cho biết: khu nhà cấp 4 nay có gắn biển Trạm bảo vệ rừng 251 trước đây là công trình xây dựng trái phép trên vùng đất chưa phân định ranh giới và bị Quy tắc đô thị phường Hòa Hiệp Bắc tháo dỡ vào tháng 10-2013 để đảm bảo giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Thừa Thiên - Huế lại xây dựng khu World Shine - Huế, cấp sổ đỏ trồng rừng bao gồm cả diện tích thuộc về Đà Nẵng.

Nhà điều hành của Công ty cổ phần Thế Diệu (phải) và Trạm Bảo vệ rừng 251 đều xây dựng trên đất chưa phân định ranh giới. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ông Trương Việt bức xúc: Trên thực tế, trước đây phân chia dãy Hải Vân làm hai, một nửa thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và một nửa thuộc về Đà Nẵng theo hướng đường phân thủy (nước mưa chảy về địa phương nào thì phần đất thuộc về địa phương đó - PV). Theo kiểu phân chia này, phần đất thuộc về Đà Nẵng nằm ở sườn Nam núi Hải Vân, rộng khoảng 800ha. Điều này trùng khớp với bản đồ mà người Pháp vẽ để phân chia địa giới hành chính.

Tuy nhiên, trong quá trình phân chia địa giới hành chính giữa hai địa phương, đường địa giới hành chính chưa thống nhất là phần diện tích của hai nửa bên Bắc và bên Nam của núi Hải Vân tính từ đỉnh cao 700,8m chạy đến mũi Cả Khẻm và hòn Sơn Trà con (hay theo cách gọi của người dân là Hòn Chảo hoặc Cù Lao Hàn). Khi phát hiện việc doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng công trình trên phần phía Nam núi Hải Vân, chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc, UBND quận Liên Chiểu đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân tạm dừng ngay việc xây dựng nhưng các đơn vị này vẫn tiến hành xây dựng công trình.

Trao đổi với PV SGGP, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết, việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép xây dựng dự án trên phần đất chưa thống nhất địa giới hành chính là không chấp hành chỉ đạo của Trung ương. Khi người dân xây dựng trái phép, xây dựng không phép thì chính quyền tổ chức ngăn chặn, phá bỏ công trình, còn trong trường hợp này cũng phải chấp hành chứ không thể ngang nhiên xây dựng công trình như vậy. Vì vậy, UBND quận Liên Chiểu kiên quyết xử lý việc xây dựng trái phép tại khu vực này.

Ông Dương Thành Thị khẳng định: Đây là khu vực chưa được Trung ương thống nhất giao cho địa phương nào quản lý nên không địa phương nào có quyền cấp phép đầu tư hay tổ chức xây dựng tại đây.

Văn Thắng - Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục