Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Thi công ì ạch

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận, có tổng kinh phí đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay các hạng mục của dự án vẫn thi công ì ạch. 
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đang chậm tiến độ
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đang chậm tiến độ

Những ngày đầu tháng 3-2022, công trình thi công thuộc gói thầu số 3-XL (đoạn từ Km47+672 - Km83, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, gói thầu lớn nhất của dự án trị giá hơn 2.299 tỷ đồng, khởi công ngày 15-10-2020 do Liên doanh Nhà thầu Vinaconex - Trung Chính đảm trách) vẫn còn ngổn ngang. Ghi nhận tại đoạn qua huyện Xuân Lộc, dù nhà thầu đã huy động nhiều máy móc phương tiện, nhưng việc thi công vẫn cầm chừng. Ở hạng mục xây cầu (nhà thầu Trung Chính), hầu hết 24 cây cầu trên tuyến mới lao xong dầm và bản mặt kết cấu phần dưới. Hiện nhà thầu đang nỗ lực thi công kết cấu phần trên… 

Thực tế, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 4 gói thầu (1-XL, 2-XL, 3-XL, 4-XL) đã khởi công hơn 1 năm nhưng hầu như chậm tiến độ. Năm 2021, vẫn còn 155/1.945 tỷ đồng chưa được giải ngân. Năm 2022, giá trị giải ngân hơn 1.983 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 91 tỷ đồng (tương đương 4,6%). Cụ thể, gói thầu số 1-XL (Km0+000 - Km16+400) đoạn đi qua 4 xã của huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) trị giá hơn 1.069 tỷ đồng, khởi công ngày 16-11-2020, do 3 nhà thầu (Phúc Lộc, Cienco, Vạn Cường) đảm trách, được coi là “điểm đen” của dự án. Từ tháng 10-2021 đến nay, sản lượng thi công chỉ đạt 120 tỷ đồng (tương đương 12% trị giá gói thầu). 

Đại diện các nhà thầu cho biết, đã huy động nhân công, máy móc, thiết bị… tổ chức các mũi thi công cầu, đường và hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, từ tháng 5-2021, các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai thực hiện cách ly diện rộng, dẫn đến thiếu hụt nhân công, nhà thầu phải thuê nhân công giá cao gấp đôi so với ngày thường. Bên cạnh đó, việc khan hiếm vật liệu san lấp, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, cũng là nguyên nhân khiến tiến độ thi công chậm. 

Theo ông Nguyễn Công Hợp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, ngoài thiếu hụt nhân lực, giá vật liệu thép tròn, thép hình, thép tấm, cáp dự ứng lực tăng hơn 50%-56%; vật liệu cấp phối đá dăm, cốt liệu đá, cát vàng, xi măng tăng 60%-70%, giá vật liệu đắp nền đường tăng hơn 35%-40%… khiến nhiều nhà thầu phải bù lỗ để triển khai thi công. Để tháo gỡ khó khăn này, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Xây dựng làm việc với địa phương để tính toán chỉ số riêng phù hợp với thực tế. 

Dù tiến độ dự án đang chậm, nhưng theo ông Nguyễn Công Hợp, các nhà thầu vẫn nỗ lực thi công và phấn đấu đến hết ngày 30-6-2022 sẽ xây xong cầu trên tuyến chính, đường phủ tối thiểu 1 lớp cấp phối đá dăm, 80% lớp đá cấp phối gia cố xi măng, 70% bê tông nhựa nóng. Dự kiến đến hết ngày 30-9-2022, sẽ hoàn thành lớp bê tông nhựa trên toàn tuyến chính cao tốc và sẽ kịp thông xe vào cuối năm nay theo kế hoạch.

Để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu san lấp, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã khoanh vùng 7 khu vực với tổng diện tích gần 468ha thuộc 3 huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú để bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2025, phục vụ vật liệu san lấp cho các dự án (trong đó có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết). 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng, có nhiều dự án giao thông do trung ương và tỉnh triển khai nên nhu cầu đất san lấp rất lớn và việc bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp phải triển khai sớm để đảm bảo tiến độ thi công. Tỉnh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương rà soát lại hướng tuyến các dự án để quy hoạch các vị trí phù hợp trong khai thác vật liệu san lấp, cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy trình cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp để rút ngắn thời gian thực hiện.

Tin cùng chuyên mục