Dự án làm khổ diêm dân

Tiền tỷ phơi mưa nắng
Dự án làm khổ diêm dân

Diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đang bức xúc trước hàng loạt công trình trạm bơm, kênh thủy lợi, cấp điện, đường… được xây dựng phục vụ nông dân vùng muối nhưng không sử dụng được.

Trạm bơm tiền tỷ phơi mưa nắng, xuống cấp nghiêm trọng.

Trạm bơm tiền tỷ phơi mưa nắng, xuống cấp nghiêm trọng.

Tiền tỷ phơi mưa nắng

Trước mặt chúng tôi là cánh đồng muối hàng trăm hécta thuộc xã Điền Hải nằm dọc theo kênh Huyện Kệ, rất ngổn ngang. Chỉ tay vào đoạn đường không ra đường nằm dọc theo kênh Ông Cang, ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, cho biết: “Lẽ ra, con đường dài gần 2,5km này đã hoàn thiện với mặt đường tráng nhựa hẳn hoi chứ không phải ngổn ngang như thế này”.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã mượn đất của hơn chục hộ diêm dân tại các vị trí tu muối (nền trữ muối) để làm nền hạ và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi làm xong con đường. Thế nhưng con đường không hoàn thiện và đơn vị thi công “biến mất”. Mấy chục phuy nhựa đường nằm lăn lóc bên đường từ năm này sang năm khác, nhiều phuy bể tràn nhựa ra ngoài. Người dân rất bức xúc vì khi thu hoạch muối không có nơi tập kết, dự trữ…

Càng bức xúc hơn khi cả 3 trạm bơm cho cánh đồng muối đều bỏ phế; máy móc, ống dẫn bị gỉ sét, hư hại dù chưa vận hành ngày nào. Nhiều diêm dân phản ánh: “Không hiểu các kỹ sư khảo sát kiểu gì lại đặt trạm bơm ở cuối nguồn nước trong khi kênh mương ở đây chỉ 2 – 3 năm là cạn khô, phải nạo vét. Để có nước sản xuất muối, mỗi hécta người dân phải tốn ít nhất 1,5 triệu đồng tiền xăng dầu bơm nước lên mặt ruộng và vận chuyển muối sau khi thu hoạch…

Theo UBND huyện Đông Hải, 4 hạng mục của dự án này được chính thức thi công vào cuối năm 2007, đầu năm 2008. Đến nay, có 10/11 tuyến kênh thủy lợi, tổng chiều dài gần 14.300m được thi công và hiện nay hầu hết các kênh đều bị bồi lắng do đều nằm ở cuối nguồn nước biển.

Hạng mục 3 trạm bơm nước sau khi thi công xong từ cuối năm 2008 nhưng do khu vực mặt cống cũng bị bồi lắng nghiêm trọng nên không hoạt động được, đang xuống cấp. 2 trạm biến áp và đường dây điện cấp cho trạm bơm đã thi công xong nhưng cũng không vận hành được.

Còn hạng mục giao thông, mới xong tuyến lộ nhựa hương lộ 9 – cầu Trại Sò (trên 4km), tuyến còn lại rất ngổn ngang.

Gây khó cho địa phương

Một cán bộ xã Điền Hải cho biết: “Trước đây khi quy hoạch, dự án gần như ôm hết diện tích sản xuất muối của xã. Do vậy, cấp huyện, tỉnh khi đưa dự án đầu tư cơ sở hạ tầng về đây đều “vướng” dự án. Những mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi cá kèo, bán nước ót cho vuông tôm,… có giá trị kinh tế cao nhưng người dân 3 ấp: Bờ Biển, Doanh Điền và Gò Cát không thể thực hiện được.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đông Hải Bùi Minh Túy nói: “Dự án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT đối với vùng chuyên canh muối của huyện. Tiếc rằng, quá trình thực hiện chưa tập trung nên không phát huy tác dụng, chưa mang lại lợi ích cho diêm dân”.

Để tiền tỷ của Nhà nước phát huy tác dụng, lãnh đạo huyện Đông Hải đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, phù hợp với đặc thù địa phương. Đó là: để các trạm bơm 1 và 2 không “chết” trên cạn, cần đầu tư làm cống (qua hương lộ 9) và nạo vét kênh 81 thông ra biển để lấy nước, nâng cấp đê biển Đông. Đối với trạm bơm số 3, cần làm cống trên lộ Giồng Nhãn – Gò Cát và nạo vét đến kênh 130. Song song đó, phải nạo vét 10 tuyến kênh và tại khu vực 2 mặt cống của cả 3 trạm bơm…

Năm 1999, sau khi được chọn đầu tư xây dựng thí điểm mô hình phát triển KT-XH nông thôn vùng muối, Sở NN-PTNT Bạc Liêu thành lập một ban quản lý dự án để làm chủ đầu tư, thực hiện mô hình trên diện tích hơn 600ha tại xã Long Điền Tây (nay là xã Điền Hải) với kinh phí đầu tư ban đầu là 25 tỷ đồng. Sau thời gian triển khai, mô hình “chết yểu” khi mới hoàn thành 1/3 khối lượng. Giữa năm 2004, do thiếu vốn, UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản đề nghị và được Bộ NN-PTNT chấp thuận cho chuyển chủ đầu tư sang Tổng công ty Muối để tiếp tục thực hiện mô hình. Sau khi Tổng công ty Muối giải thể, dự án này được giao cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Theo Quyết định 2895/QĐ/BNN-CB ngày 24-10-2005, tên gọi của mô hình được đổi thành “Dự án nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Long Điền Tây” và diện tích dự án rút gọn lại còn 400ha. Tiếp theo đó, ngày 20-6-2008, Bộ NN-PTNT phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án với tổng kinh phí hơn 31,1 tỷ đồng… nhưng đến nay hiệu quả rất “mơ hồ”.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục