Năm 2008, UBND TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ, công suất 2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 538 triệu USD, sử dụng đất 250ha do Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Công ty này được thành lập trên cơ sở liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Viễn Đông (Việt Nam) góp 30% vốn và Công ty Semtech Limited B.V.I (Mỹ) góp 70% vốn. Nhà máy được đầu tư tại KCN Ô Môn thuộc quận Ô Môn. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động sau 24 tháng thi công và vận hành thử. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất, chiếm đến 80% so với tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào TP Cần Thơ tại thời điểm đó. Thế nhưng, sau gần 6 năm được cấp chứng nhận đầu tư, dự án đã 4 lần thông báo thay đổi đối tác liên doanh nhưng đến nay vẫn đang ở vạch xuất phát.
Mới đây, Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ và đối tác liên doanh đã xin điều chỉnh giảm quy mô vốn đầu tư xuống còn 350 triệu USD, giảm diện tích dự án xuống còn 50ha. Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ đã đề nghị nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, ký quỹ 5% chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư về đất (khoảng 11 tỷ đồng) và cam kết tiến độ thực hiện để trình UBND TP Cần Thơ xem xét, quyết định.
Điều đáng nói là từ khi triển khai dự án tới nay, hơn 150 hộ dân ở khu vực Thới Ngươn A (phường Phước Thới, quận Ô Môn) đứng ngồi không yên vì muốn chuyển mục đích, tách thửa hay cất nhà đều không được phép. Địa phương phải kiểm soát và giữ nguyên hiện trạng để nhà đầu tư đến áp giá đền bù, còn khi nào dự án triển khai hoàn toàn mù tịt.
PHAN THỊ