Một dự án nuôi tôm tập trung được đầu tư bằng tiền Nhà nước, lớn nhất nhì Nam Trung bộ, nhằm tăng thu ngân sách, tạo việc làm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm bỏ hoang, dự án này được tư nhân hóa và hàng chục hộ dân bị bỏ quên...
Hơn 10 năm bỏ hoang
Tháng 7-2000, dự án Vùng nuôi tôm công nghiệp Cam Ranh tại xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh - Khánh Hòa) được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), thị xã Cam Ranh làm chủ đầu tư.
Theo hồ sơ, dự án có diện tích hơn 160ha, tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Với vị trí đắc địa giáp biển, có nhiều bãi bồi tự nhiên, thuận tiện giao thông, nên kỳ vọng đây sẽ trở thành một trung tâm nuôi tôm công nghiệp lớn nhất Nam Trung bộ, cả triệu tấn tôm thương phẩm xuất ngoại mỗi năm, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Năm 2001, phần 1 của dự án đã được triển khai trên diện tích hơn 71ha, tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng, chia làm 5 gói thầu và được thi công trong 3 năm (2000 - 2002).
Đến cuối năm 2003, 4/5 gói thầu đầu tiên hoàn thành. Đến tháng 11-2003, tỉnh Khánh Hòa phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu số 5 bao gồm các hạng mục: Trạm bơm nước ngọt, đường ống dẫn nước ngọt kinh phí hơn 2 tỷ đồng, thời gian thi công 70 ngày (Công ty TNHH Khánh Phương - Nha Trang trúng thầu). Theo hợp đồng, gói thầu này sẽ hoàn chỉnh và bàn giao vào đầu năm 2004. Tuy nhiên, đến tận năm 2007, đơn vị thi công mới hoàn thành gói thầu.
Điều đáng nói, khi bàn giao xong gói thầu này, các hạng mục thi công trước đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chính sự không đồng bộ, thiếu nhất quán trong việc triển khai thi công, giám sát nên công trình trở nên hoang tàn. Vùng nuôi tôm trù phú trước đây của người dân biến thành cánh đồng hoang, dù đã ngốn trên 17 tỷ đồng, nhưng dự án nuôi tôm vẫn... không có tôm.
Sau hơn 10 năm bỏ hoang, các hạng mục công trình vùng nuôi tôm công nghiệp Cam Ranh đã xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí lớn. Để tháo gỡ, chính quyền địa phương giao Công ty CP Thông Thuận (trụ sở tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận) tiếp nhận dự án và chuyển đổi sang hình thức cổ phần với tên gọi là Công ty CP Thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh. Theo đó, tháng 3-2010, tỉnh Khánh Hòa quyết định 801/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất (71ha, thuộc quyền quản lý của TP Cam Ranh) tại dự án này giao Công ty Thông Thuận 30 năm, dưới hình thức thuê đất và toàn bộ tài sản trên đất.
Ông Nguyễn Quang Tính, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh, cho biết: “Năm 2010, đơn vị tiếp nhận dự án, nhưng thời điểm này rất nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng, phải đầu tư lại hoàn toàn. Đã thế, chuyện đền bù giải tỏa còn khiếu nại kéo dài nên việc triển khai nuôi tôm chưa thực hiện được. Mãi đến năm nay, chúng tôi bắt đầu thả nuôi vụ đầu tiên”.
Người dân bức xúc
Đến nay, 71ha nuôi tôm đã giao Công ty Thông Thuận vẫn chưa tính được giá đất cho thuê, vì đơn vị tham mưu chưa chuẩn. Còn tài sản trên đất, dự án đã thi công với số tiền 17 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa cho Công ty Thông Thuận thuê 20 năm, tiền thuê tài sản trả trong vòng 20 năm với số tiền bằng 40% tổng giá trị tài sản đã thi công. Theo đó, Công ty Thông Thuận phải trả 6,9 tỷ đồng, tính ra mỗi năm trả 345 triệu đồng.
Theo đại diện của Sở Tài chính Khánh Hòa, việc cho Công ty Thông Thuận thuê đất, thuê lại tài sản trên đất là đúng với thẩm quyền hiện hành. Việc cho thuê này được áp dụng theo chính sách ưu đãi tại Thông tư 95/2004 của Bộ Tài chính. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ vốn đầu tư không quá 60% tổng đầu tư, tùy theo điều kiện từng địa phương. Trường hợp Công ty Thông Thuận dù thuê lại tài sản của một dự án Nhà nước vẫn được hỗ trợ tiền thuê tài sản.
Trước khi dự án triển khai, tại vùng Cam Thịnh Đông có hàng chục hộ dân đang ăn nên làm ra từ con tôm nhưng phải ngậm ngùi nhường đất làm dự án. Hơn 10 năm qua, không ít gia đình phải lam lũ mưu sinh, khốn khó khi không còn đất sản xuất. Anh Hùng, một hộ có đất bị thu hồi cho biết: “Từ khi có dự án, 6 sào nuôi tôm của tôi phải bàn giao mặt bằng, được nhận đền bù 13 triệu đồng. Chờ cả 10 năm để được vào dự án, bây giờ dự án “gả” cho Công ty Thông Thuận, không hề đề cập đến quyền lợi của các hộ dân, khiến dân bức xúc, khiếu nại...”.
Mục đích chính của dự án này là xây dựng cơ sở hạ tầng thành khu nuôi tôm công nghiệp, sau đó kêu gọi người dân vào đây nuôi tôm tập trung, tạo sự ổn định lâu dài. Theo các hộ dân nuôi tôm, ngày trước, do đây là dự án của Nhà nước, nên mọi người đồng lòng giao mặt bằng, hy vọng sớm vào dự án để nuôi tôm. Thế nhưng, dự án ì ạch hơn 10 năm khiến dân nản lòng. Vì thế, sau khi Công ty Thông Thuận tiếp quản dự án, do không có tiền mua cổ phần nên 26 hộ dân thuộc diện giải tỏa đành nhường quyền lợi của mình cho người khác. Không còn đất, đành chấp nhận đi làm thuê, làm mướn.
Không thể phủ nhận việc cho Công ty Thông Thuận tiếp nhận dự án này đã giải quyết được một phần lãng phí ngân sách. Tuy nhiên, cùng với việc ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương cần nhìn nhận đến việc đảm bảo cuộc sống của các hộ dân tại chỗ sau khi đã nhường đất cho dự án.
Văn Ngọc