Như tin Báo SGGP đã đưa, vừa qua giới khoa học, chính quyền, nhân dân Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận tỏ ra lo lắng về việc triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây nhiều tác động tiêu cực như việc nguồn tài nguyên sinh thái rừng phòng hộ bị ngập với diện tích lớn, trên 130ha rừng đặc dụng dự trữ sinh quyển, quốc gia Cát Tiên được tổ chức UNESCO công nhận, bị ảnh hưởng, tác động xấu đến dòng chảy sông Đông Nai ở hạ lưu…
Vấn đề này đã được ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại kỳ Quốc hội vừa qua. Theo văn bản trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002. Theo đó bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 có quy mô: mực nước dâng bình thường hồ chứa 205m; công suất lắp máy 180 MW; tổng diện tích đất ngập của lòng hồ 1.954ha, trong đó có 732ha diện tích thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.
Đến năm 2008, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, kết quả nghiên cứu của cơ quan tư vấn, ý kiến đóng góp của các bộ ngành và địa phương, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng về kết quả xem xét hiệu chỉnh quy hoạch và đã được Thủ tướng cho phép điều chỉnh dự án thủy điện Đồng Nai 6 thành 2 dự án là thủy điện Đồng Nai 6 (135 MW) và 6A (106 MW). Theo đó, diện tích chiếm đất thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên giảm từ 732ha xuống còn 137,5ha.
| |
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long-Gia Lai đã lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Kết quả cho thấy với giá bán điện 4,5 cent/kWh, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tính khả thi tốt về các chỉ tiêu kinh tế.
Song song với quá trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư cũng đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phối hợp tiến hành tổ chức các hội thảo khoa học, nhưng có nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay theo Bộ TN-MT, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án này chưa đúng và chưa đủ theo thủ tục quy định, nên bộ này đã trả lại hồ sơ và yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hoàn thiện. Như vậy, đến nay chưa có quyết định cuối cùng về việc triển khai các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nêu rõ quan điểm, trong bối cảnh nước ta hiện nay, nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ là có hạn và ngày càng cạn kiệt, chi phí khai thác để sử dụng ngày càng đắt đỏ trong khi nhu cầu điện năng ngày càng tăng, do đó, việc sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo, chi phí rẻ hơn, trong đó có thủy điện rất cần xem xét.
Quy mô công suất của 2 dự án này tuy không lớn (sản lượng điện chỉ gần 1 tỷ kWh/năm) nhưng cũng không phải nhỏ, giá thành điện sản xuất ra không cao. Vì vậy cần tính toán toàn diện, hài hòa các lợi ích KT-XH và môi trường, đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ, khách quan các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu được phê duyệt. Nhưng nếu thấy hiệu quả kinh tế không bù đắp được tác động tiêu cực về mặt xã hội, về môi trường thì không triển khai.
LÂM NGUYÊN
>> Kiến nghị Thủ Tướng xem xét lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A